Rừng gọi Thuật về

26/09/2020 - runggoi

Cách nay sáu năm, Nguyễn Huỳnh Thuật gửi bản kiến nghị đến Chủ tịch nước cảnh báo phương án xây dựng hai thủy điện 6 và 6A xóa sổ hằng trăm hécta rừng nguyên sinh, đe dọa hủy diệt hệ sinh thái Vườn quốc gia Nam Cát Tiên. Hơn 4.000 chữ ký ủng hộ từ nhiều vùng miền, cả trong và ngoài nước, cùng sự hậu thuẫn của công luận buộc Chính phủ nhượng bộ. Rừng được giải cứu. Thuật rời vườn, nhưng không xa thiên nhiên. Anh đầu tư một khu nhà nghỉ ngoài bìa rừng. Nam Cát Tiên là nơi anh thuộc về.
Những ngày giông bão
Huỳnh Thuật nhớ vanh vách từng chi tiết trước thời khắc anh quyết định gởi thư đến lãnh đạo Nhà nước. Ngày 31.8.2011. Nguồn tin cho Thuật biết bản báo cáo đánh giá tác động môi trường hai dự án thủy điện 6 và 6A sẵn sàng được phê duyệt sau dịp nghỉ lễ Quốc khánh.
Phê duyệt dự án thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Việc “gõ” cửa Phủ Chủ tịch là bởi một năm trước đó, bức thư cảnh báo rủi ro tiềm ẩn với hệ sinh thái Nam Cát Tiên từ hai dự án thủy điện gửi lãnh đạo Chính phủ không nhận được phản hồi. Ý định của Thuật không tìm được sự chia sẻ từ gia đình và đồng nghiệp. Viễn tượng thiên nhiên bị hủy hoại khiến anh trằn trọc.
“Tôi thấy mình như đang chết”, Thuật nhắc lại nội dung văn bản phản biện hai dự án thủy điện mà người ta mông má. Thư đi. Ngoài bản cứng, anh còn đưa lên mạng. Tiếng kêu thảng thốt của nhà khoa học trẻ nơi xó rừng được cộng đồng ủng hộ. Thuật gặp rắc rối.

Nguyễn Huỳnh Thuật từng là người trẻ nhất có báo cáo tham luận quan trọng tại hội thảo quốc tế UNESCO về quản lý bền vững các khu dự trữ sinh quyển khu vực Đông Nam Á   

Đầu tiên là từ nhiệm sở. Anh bị cơ quan kiểm điểm. Một công dân gởi thư cho lãnh đạo Nhà nước không được xem là một biến cố. Như được tiếp thêm dầu, làn sóng phản đối bùng lên mạnh mẽ. Một công dân gởi thư cho lãnh đạo Nhà nước trở thành biến cố. Điều bình thường hóa bất thường. Điều bất thường thành chuyện tế nhị.
Đến tận bây giờ, Thuật cũng chưa nhận được một câu trả lời chính thức. Anh không được cung cấp văn bản kết luận nội dung lý do kiểm điểm. “Tôi không tâm tư. Tôi biết các anh cũng có cái khó. Công khai minh bạch hết thì…”, Thuật bỏ lửng. Tuy nhiên, bạch hóa quan điểm làm rung chuyển cánh tay quyền lực. Trái banh trách nhiệm được đá sang Bộ Tài nguyên – Môi trường. Một số thủ tục được thực hiện trước khi công bố dừng dự án theo quy trình.
Sức ép không chỉ đến từ đồng nghiệp và gia đình. Quyền lợi của nhà đầu tư bị ảnh hưởng. Kinh phí vận động dự án trở thành chi phí chìm. Một cuộc gặp tay đôi giữa đại diện nhà đầu tư và tác giả bức thư. Thuật khước từ im lặng để đổi lấy cái ghế giám đốc dự án trồng rừng sau khi thủy điện đi vào vận hành. Thâm tâm, anh cũng đã sẵn sàng cho tình huống không còn khả năng lên tiếng. May mắn, mẹ của người thương thuyết là một Phật tử thuần thành. Con đường tu tập của bà chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Tình mẫu tử lung lay ý chí sắt đá của người thương thuyết. Cuộc đối thoại cân não kết thúc khá hòa nhã.
Cuối tháng 8 vừa qua, thiền sư Thích Nhất Hạnh lần đầu trở lại Việt Nam sau hơn một thập niên. Lần này Thuật không diện kiến ngài, nhưng tinh thần nhập thế của thiền sư là hành trang tâm tưởng, đã, đang và sẽ tiếp tục chi phối cuộc đời của Thuật.
Gieo mầm
Cuối 2015, gia đình ông Hà Huy Bình là hộ đầu tiên ở xã Nam Cát Tiên kinh doanh mô hình homestay (dịch vụ cho khách du lịch cùng ăn cùng ở tại nhà dân). Từ hai phòng, ông nâng lên bốn phòng. Việc một hộ dân thuộc diện nghèo nhất vùng làm du lịch truyền cảm hứng cho cộng đồng. Lần lượt có thêm bốn hộ theo chân ông Bình. “Chú Thuật bày cho tui làm”, ông Bình xác nhận. Cái nghề nuôi tằm ông theo đuổi 15 năm quá bấp bênh. Giá tơ phụ thuộc thương lái. Thương lái phụ thuộc vào Trung Quốc. Ráo mồ hôi là hết tiền.

Nguyễn Huỳnh Thuật đã biến giấc mơ bảo vệ môi trường  thành hiện thực với dịch vụ nghỉ dưỡng sinh thái Rừng Gọi tại Nam Cát Tiên

Khách của ông Bình chủ yếu là sinh viên đại học. Không biết ngoại ngữ nên ông Bình không đón được khách nước ngoài. Thảng, cô con gái thứ ba về thăm nhà mới kéo được khách Tây. Tài chính eo hẹp khiến cô quyết định từ bỏ chân trời đại học. Cô đăng ký chương trình ngoại ngữ hai năm tại Biên Hòa. Còn chừng một năm nữa cô sẽ hoàn tất chương trình. Lúc ấy ông Bình có thể hoàn toàn yên lòng giao cơ sở kinh doanh cho con gái.
Vận động người dân kinh doanh dịch vụ lưu trú ghi nhận nỗ lực bền bỉ của Thuật. Giải bài toán sinh kế cho người dân bản địa là tư duy giữ rừng bền vững. Đói ăn vụng, túng làm liều.
Cuối tuần, Thuật tổ chức dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em, chủ yếu là con cháu dân trong vùng. Có thời điểm câu lạc bộ lên đến 64, độ tuổi dao động từ học sinh tiểu học đến trung học phổ thông. Trong số này còn có con trai của một sĩ quan an ninh. Hai người bắt đầu biết nhau kể từ khi Thuật gởi thư kêu cứu cho Nam Cát Tiên.

Khu nhà nghỉ của Rừng Gọi. Ảnh: TL

Ngoài Thuật còn có một số tình nguyện viên là người nước ngoài tham gia đứng lớp. Tiếp xúc với người nước ngoài giúp các em mau tiến bộ. Câu lạc bộ ngày càng mở rộng gây nhiều chú ý. Ngành giáo dục đề nghị Thuật bổ sung thêm nhân sự có nghiệp vụ sư phạm, rồi làm thủ tục đăng ký hoạt động.
Tuy nhiên, cái khó của Thuật là tình nguyện viên không phải là một bộ phận cơ hữu. Giải pháp tình thế là thu hẹp quy mô, tổ chức lớp dưới 10 người. Thành phần là những em có tố chất ngoại ngữ, học hành chí thú. Thông qua những bài học, Thuật gieo vào lòng các em những hạt mầm yêu thương đối với thiên nhiên, cây cỏ.

Cùng học sinh CLB Rừng Gọi. Ảnh: TL

Đồng cảm với Thuật ở khía cạnh giáo dục, ông Nguyễn Xuân Diện, Giám đốc Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, đề nghị anh hợp tác cung cấp dịch vụ dã ngoại, lưu trú hướng tới đối tượng là học sinh sinh viên các trường quốc tế cả trong và ngoài nước. Kinh phí trích ra từ nguồn thu khai thác nhóm khách hàng có khả năng chi trả này dùng để đài thọ những chương trình tham quan, tìm hiểu rừng dành cho học sinh nghèo đang sinh sống ở khu vực Nam Cát Tiên. Nhỏ biết thương rừng, lớn không làm hại rừng.

Bình yên chim hót

Rừng gọi mở cửa đón khách từ cuối năm 2014. Vốn đầu tư chủ yếu là tiền Thuật tích lũy trong hai năm du học ở Nhật Bản. Khu nhà nghỉ nhìn sang hòn đảo xinh xắn, trồi lên giữa lòng sông Đồng Nai, xanh rượi. Thương Thuật, dân cho anh mượn đất. Thuật mướn ông Bình trồng tre và si làm chỗ trú chân, rước chim về.

Cùng với khách du lịch khi đến với Cát Tiên Rừng Gọi. Ảnh: TL

Cánh võng đu đưa trưa thinh vắng. Lảnh lót hoàng oanh. Cao vút sơn ca. Réo rắt họa mi. Buồn bã, da diết tiếng cuốc gọi bạn tình. Điểu tham thực tắc vong. Cuốc thì khác. Không chết bởi miếng ăn, cuốc sập bẫy bởi tiếng kêu của đồng loại. “Toàn người lạ, tinh ma lắm”, ông Bình phẫn nộ đám săn chim. Họ mang theo máy, giả tiếng chim, giăng lưới, dụ hốt cả bầy.

Cũng như đảo xanh, khu nhà nghỉ Rừng Gọi tuyệt đối không xịt phân, thuốc. Ông Bình càm ràm: “Tui muốn xịt cho hết cỏ dại, rồi mang cây, mang bông về trồng cho ngay hàng thẳng lối. Nhưng nói cỡ nào chú Thuật cũng không chịu”. Thuật bảo hơi thuốc diệt sâu. Chim cũng không về nữa.

Tuyệt đối không dùng phân thuốc còn nhằm đảm bảo chất lượng nguồn thực phẩm. Rau trái trong vườn canh tác theo phương thức hữu cơ, vừa cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của gia chủ, vừa phục vụ nhu cầu của khách lưu trú. Cứ thuận theo tự nhiên mà sống. 

Bài: Diệp Khuê – Ảnh: Tường Anh

Nguồn: Báo Nguoidothi.net

Link bài báo: https://nguoidothi.net.vn/rung-goi-thuat-ve-10242.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *