Bài viết được chỉnh sửa lại từ bài “RỪNG GỌI, THÔNG ĐIỆP YÊU THƯƠNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG” của tác giả Thanh Trúc, đăng trên http://savingcattiennationalpark.blogspot.com/2016/12/rung-goi-ta-ve-forest-call-me-back-home.html?m=1 vào tháng 12/2016.
Xin trân trọng giới thiệu đến độc giả.
✅Dạy tiếng Anh và khơi lửa tình yêu với môi trường
Rừng Gọi, tên một cơ sở nghỉ dưỡng tư nhân (Cát Tiên forest calo lodge) tại xã Nam Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai, có câu lạc bộ Anh văn miễn phí cho học sinh địa phương, bên cạnh những sinh hoạt mang tính giáo dục tình yêu thiên nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường sống.
Tác giả câu lạc bộ tiếng Anh Rừng Gọi là anh Nguyễn Huỳnh Thuật, thạc sĩ lâm nghiệp Đại Học Quốc Gia HCM, thạc sĩ môi trường quốc tế và phát triển cộng đồng Đại Học Nông Nghiệp Và Công Nghệ Tokyo, Nhật Bản. Từ năm 2000, anh Nguyễn Huỳnh Thuật về làm việc ở Cát Tiên, gắn bó với vùng đất này.
Anh cũng là người thành lập Nhóm Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên (Save Cat Tien – SCT), vận động thành công chính phủ dừng việc xây dựng hai đập thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A có nguy cơ hủy hoại môi trường, hệ sinh thái, rừng núi và các loài động vật hiếm quí, chưa kể di sản văn hóa đặc thù của Vườn Quốc Gia Cát Tiên.
Về quá trình thành lập Rừng Gọi, anh Thuật kể lại:
“Cuối năm 2012, tôi chính thức nghỉ việc ở Vườn Quốc Gia Cát Tiên để tiếp tục thực hiện chí nguyện vì môi trường, vì cộng đồng, thông qua đó giáo dục tình yêu thiên nhiên đến với người trẻ”.
Đầu năm 2014, tôi cùng gia đình đã thống nhất là mua đất ở Nam Cát Tiên, bên cạnh Rừng Quốc Gia Cát Tiên để xây dựng cơ sở Rừng Gọi này.
Rừng Gọi vừa là trung tâm giáo dục vừa là trung tâm phát triển xanh, thân thiện với môi trường, giúp cộng đồng chuyển hóa dần những hoạt động thu được lợi nhuận mà không hủy hoại môi trường, hình thức là canh tác hữu cơ (organic farming) và các hoạt động cải thiện sinh kế thân thiện môi trường (EFLO). Đúng ra là trung tâm giáo dục và nghỉ dưỡng Rừng Gọi thì mình xin giấy phép của huyện. Tâm nguyện của Thuật là làm thế nào để vừa giữ được rừng và cùng cộng đồng phát triển.”
Từ Rừng Gọi, Câu Lạc Bộ Anh văn ra đời với những giờ luyện tập đàm thoại do thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật cùng các thiện nguyện viên khắp nơi đảm trách, trong đó có người nước ngoài. Anh Thuật chia sẻ:
“Trong vấn đề hội nhập toàn cầu và với vị trí cửa ngõ của Rừng Quốc Gia Cát Tiên thì rất nhiều khách nước ngoài đến. Mong muốn của Thuật là tạo điều kiện cho các em từ lớp 3 cho đến lớp 12 đều sinh hoạt được hết. Tất cả những người nước ngoài đóng vai trò tình nguyện viên hay khách ở lại qua đêm cũng có đến giao lưu và hướng dẫn cho các em.
Rất nhiều phụ huynh đến gặp và mong Thuật hỗ trợ cho con cái của họ có tiếng Anh căn bản để giao tiếp với người nước ngoài, rồi truyền được tình yêu thiên nhiên cho con cái của họ.”
✅Học là chơi, chơi là học
Đối với thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật, vui chơi và học tập, học thông qua chơi và chơi thông qua học là phương pháp giáo dục chính:
“Mọi người cứ đến chơi và Thuật ngồi với các em, sinh hoạt với các em, hướng dẫn cho các em những nguyên tắc về đạo đức, tôn trọng sự sống, tôn trọng mọi người, tôn trọng thiên nhiên. Các em phải thực tập lắng nghe, không phản ứng, không phán xét.
Giao tiếp với khách nước ngoài thì nói chuyện với nhau rồi chia nhóm ra thảo luận, không theo một giáo trình nào hết.”
Đến với câu lạc bộ tiếng Anh, các em học sinh nhận được nhiều điều bổ ích.
“Em học Lớp 3 trường Nam Cát Tiên, em tới Rừng Gọi em học tiếng Anh và đươc giao lưu với người Tây. Em thích Rừng Gọi tại vì được học được học tiếng Anh, được chơi với mấy bạn ở trên đó.”
Đó là Hà Huy Giang, con của ông Bình- chủ nhà nghỉ Cầu Treo nằm gần cáp treo Cát Tiên, bày tỏ.
Phụ huynh tên Hải, làm việc cho một tổ chức bảo tồn động vật hoang dã của nước ngoài ở Nam Cát Tiên, kể:
“Cháu là học sinh lớp 3, tôi cũng có cho cháu tới chỗ anh Thuật ở Rừng Gọi đấy. Nguyện vọng của gia đình bây giờ cũng rất cần tiếng Anh, vào đó thì cháu cũng rất thích tiếng Anh và cũng rất mạnh dạn. Gặp Tây thì cháu cứ chào những câu bình thường.
Tôi cũng phát hiện ra con tôi có tình thương lớn hơn bình thường, tôi xúc động khi có đứa con vừa yêu thiên nhiên vừa yêu động vật, rồi những trò chơi bổ ích cũng từ chỗ chú Thuật mà ra. Vào chỗ chú Thuật tôi cảm thấy con tôi nó thích thú hơn, nó yêu đời hơn.”
Bà Hảo, có 2 con cùng đến Rừng Gọi mấy tháng qua, nhận xét.
“Hai cháu học Cấp 2 ở trung học Nam Cát Tiên, hàng tuần có một buổi sinh hoạt miễn phí tại lớp tiếng Anh do chú Thuật tổ chức. Mỗi chiều Chúa Nhật các cháu được ra một không gian khoáng đãng, thoải mái, yên tĩnh, sạch sẽ. Các cháu được trực tiếp học thêm tiếng Anh. Hơn nữa thi thoảng có du khách nước ngoài về thì chú Thuật trực tiếp giới thiệu và các cháu được làm quen, giao lưu với họ.
Tôi nhận xét có một số cháu rất tiến bộ vì được giao tiếp với người nước ngoài.”
Nắm bắt nhanh và hiểu biết nhiều hơn là trường hợp của em Chu Thị Chi, con gái bà Hảo:
“Em 13 tuổi ạ, em học Lớp 8 Trung Học Cơ Sở Nam Cát Tiên. Ra đó, cháu học được rất nhiều điều bổ ích, học biết yêu thiên nhiên hơn, trình độ giao tiếp tiếng Anh nâng cao hơn. Nói chuyện với người ngoại quốc, con có thể giới thiệu về bản thân của con, về quê hương của con, với lại giới thiệu về Rừng Gọi. Cứ mỗi lần học tập căng thẳng ở trường mà lại được đến Rừng Gọi với tinh thần vừa học vừa chơi thì rất là thoải mái.”
Tiến sĩ Marina Kenyon, đến từ đại học Cambrige của nước Anh, giám đốc chương trình bảo vệ các loại khỉ và vượn có nguy cơ tuyệt chủng tại Trung Tâm Cứu Hộ Linh Trưởng ở Đảo Tiên, thuộc Vườn Quốc Gia Cát Tiên, cho biết bà có cơ hội làm việc chung với thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật từ 2003 nhưng điều khiến bà ấn tượng nhất là những buổi sinh hoạt cuối tuần cùng học sinh địa phương tại Câu lạc bộ Anh văn Rừng Gọi.
“Anh Nguyễn Huỳnh Thuật không bao giờ làm việc gì mà không tìm ra cách nào đó nhằm mang lợi ích đến cho người chung quanh. Trong thời gian qua, tôi đặc biệt quan tâm cách anh giúp người lớn và trẻ em ở Cát Tiên này học tiếng Anh để họ cảm thấy tự tin hơn.
Chính vì lẽ đó, tôi thường khuyến khích những bạn trẻ nước ngoài, đang làm việc thiện nguyện trong Trung Tâm Cứu Hộ Linh Trưởng của chúng tôi, ra Câu Lạc Bộ Anh văn Rừng Gọi để dạy Anh ngữ cho học sinh địa phương. Có thể nói nhờ những buổi sinh hoạt cuối tuần ở Rừng Gọi, mà mấy tháng nay quan hệ giữa chúng tôi với bên Rừng Gọi trở nên thân thiết hơn.”, Tiến sĩ Marina Kenyon cho biết thêm.
Từ con số khiêm nhường lúc khởi đầu, Câu Lạc Bộ Anh văn miễn phí Rừng Gọi đã qui tụ được 52 học sinh, bình quân mỗi cấp khoảng 15 em.
Quá trình hoạt động của cậu lạc bộ gặp không ít khó khăn khi chính quyền xã Nam Cát Tiên có công văn yêu cầu tạm ngưng hoạt động vì không có giấy phép. Để giải quyết tình trạng này, anh Nguyễn Huỳnh Thuật đã hợp thức hoá câu lạc bộ theo đúng yêu cầu của cơ quan nhà nước.
Mong muốn giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn, hiệu quả hơn và vươn xa trong cuộc sống là động lực giúp anh Thuật xây dựng và duy trì câu lạc bộ Tiếng Anh.