Trích Báo cáo tham luận Đại Lễ Phật Đản LHQ năm 2025 (UN VESAK 2025) về “Từ bi Phật giáo trong hành động chăm sóc thân tâm mình (môi trường tự thân, chánh báo) và thân tâm đất mẹ (môi trường bên ngoài, y báo). Bài học từ hành trình Rừng Gọi gieo mầm yêu thương”.
Thế kỷ 21 này chúng ta đang chứng kiến tình trạng khủng hoảng môi trường và nhiều hậu quả của hiện tượng biến đổi khí hậu hay trái đất nóng dần trên bình diện cục bộ địa phương và toàn cầu. Sóng thần, bão, lũ lụt, triều cường, bệnh dịch, động đất … triền miên kèm theo vấn đề ô nhiễm đất, nước, không khí đạt mức kỉ lục hơn bao giờ hết. Tất cả các hiện tượng này có liên quan chặt chẽ với biến đổi khí hậu. Đây là những mối hiểm họa đang đe dọa sự sinh tồn của loài người chúng ta. Sự sống của chúng ta, con cháu chúng đang bị đe dọa hơn bao giờ hết. Xét kỹ lại và cũng đúng như nhà khoa học đã cảnh báo những việc làm mà chúng ta đã gây tạo trong quá khứ, sự thờ ơ không quan tâm đến môi trường đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng mà hiện tại chúng ta đang phải đương đầu và gánh chịu. Trong đó công nghệ sản xuất thịt và công nghệ xe hơi cùng với tiêu thụ thiếu ý thức (chánh niệm) là những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Hiện nay có nhiều tổ chức phi chính phủ được thành lập bởi các nhà tiền phong có lòng nhiệt thành xuất phát từ sự quan tâm đến loài người. Họ đã làm nhiều việc để phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nếu không có sự tỉnh thức cộng đồng và sự hợp tác của tập thể cùng nhau thì chúng ta rất khó tạo ra sự thay đổi lớn. Kho tàng tuệ giác trong đạo Phật là nền tảng sản sinh từ bi bằng hành động rất phong phú, đa đạng và sâu sắc có thể làm nền tảng và soi sáng cho các giải pháp chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi sinh (môi trường) và phát triển bền vững. Trong truyền thống đạo Phật với tuệ giác vô thường, vô ngã và tương tức thì tất cả chúng ta hiện hữu trên thế giới này như là một đại gia đình, tất cả chúng ta là anh em đang sống trong một mái nhà xanh chung và được thương yêu nuôi dưỡng bởi “Mẹ” thiên nhiên vĩ đại. Chúng ta phải đối xử với thiên nhiên như cách chúng ta tự đối xử với mình. Chúng ta không được làm hại thiên nhiên. Chăm lo và bảo vệ thế hệ con cháu mình là bảo vệ cho mình vì chúng là sự tiếp nối của chính ta. Do vậy chúng ta phải biết tôn trọng và thương yêu lẫn nhau, chia sẻ và cảm thông cho nhau về hạnh phúc hay khổ đau và cùng nhau nắm tay để bảo vệ môi trường chung, ngôi nhà chung.
Hạnh phúc là hạnh phúc chung và khổ đau là khổ đau chung. Những năng lượng bất an hay khổ đau xảy ra bất kỳ ở một nơi nào thì cũng sẽ bị ảnh hưởng đến toàn hành thế giới và hạnh phúc cũng vậy. Ngày nay khoa khọc lượng tử cũng đã tìm ra và chứng minh được điều này. Năng lượng có tính chất cục bộ (local) và phi cục bộ (non-local), có mặt ở đây và cùng khắp. Hiểu như thế thì chúng ta có ý thức và trách nhiệm chung trên mọi phương diện của đời sống hiện tại, hiểu như thế trái tim của chúng ta sẽ rộng mở và không còn phân biệt tôn giáo, quốc gia, chủng tộc,… để đến với nhau trong tình huynh đệ trong tinh thần từ-bi-hỷ-xả một cách đẹp đẽ, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, sống chết có nhau. Vì ngày mai chúng ta hãy gieo hạt hạt và ươm mầm tươi xanh ngay từ bây giờ và gìn giữ, bảo vệ những mảng xanh, những gì tốt đẹp và lành mạnh còn lại như bảo vệ ngôi nhà, bà mẹ thân yêu nhất của mình.
Từ thiền định sâu Tuệ Đức (Sư Rừng Gọi) có cái thấy rõ rằng có mối liên hệ mật thiết giữa con người, những loài hữu tình cũng như vô tình và những loài cầm thú, cỏ cây và đất đá. Con người sinh ra từ cùng một nguồn cội có các yếu tố thiên nhiên như đất, nước, khoáng vật, không khí, ánh nắng mặt trời, sức nóng, các loài động thực vật khác từ thức ăn qua miệng (đoạn thực) và qua các căn khác (xúc thực, tư niệm thực và thức thực). Con người được làm bằng những yếu tố không phải con người như vậy. Con người sẽ không sống được nếu thiếu các yếu tố đó. Cái gốc sức khoẻ và hạnh phúc của con người nằm ở các yếu tố thiên nhiên, môi trường tạo nên con người: đất, nước, không khí, khoáng vật, các loài động thực vật khác. Do vậy nếu mình không ý thức rõ và không hành động để chăm sóc và bảo hộ thiên nhiên, môi trường, không bảo hộ các loài động vật, không bảo hộ các loài thực vật, mình tàn phá làm cho các động vật bị tiệt chủng. Mình tàn phá rừng nguyên sinh, hủy diệt cây cối, sử dụng toàn xi măng, làm ô nhiễm nước, ô nhiễm sông hồ, ô nhiễm không khí và cả đất đá,…tức mình đã làm hư nền tảng sự sống của chính mình. Nếu vậy thân tâm mình cũng bị ô nhiễm, bệnh tật và tương lai mình, con cháu của mình cũng sẽ bị ô nhiễm, bệnh tật ngày càng nghiệm trọng. Do vậy chăm sóc, bảo hộ môi trường bên ngoài tức là chăm sóc, bảo vệ con người, bảo vệ thân tâm, bảo vệ môi trường tự thân chính chúng ta. Đó là cái thấy khi thiền sâu của Tuệ Đức cũng là điều mà Bụt (Phật) đã dạy trong Kinh Kim Cương.
Đại Vũ trụ, Đất Mẹ đang thanh lọc và thiết lập lại cân bằng mới bằng những trận cuồn phong, động đất, sóng thần, lũ lụt,… như là tiếng chuông cảnh tỉnh cho mọi chúng ta. Mọi sự vật và hiện tượng luôn chuyển biến không ngừng, có sinh thì có diệt. Cơ thể ta cũng thế, thân tâm chúng ta ít nhiều cũng đang thanh lọc mỗi ngày để thiết lập lại cân bằng mới bằng những cơn đau, cơn sốt, khối u, mụn nhọt … mà ta hay gọi là “bệnh” nhưng thực chất đó là vũ trụ trong ta đang diễn thế, đang thanh lọc và thiết lập lại sự quân bình mới. Hiểu rõ vậy thì chúng ta sẽ không còn bị đối kháng, phẫn nộ, phủ nhận và tuyệt vọng nữa trước mọi biến động bên ngoài. Ta sẽ luôn có bình an. Có bình an rồi ta mới biết cách sống như thế nào để cho trái đất có một tương lai, ta mới tới được với nhau trong tình anh em (tứ hải giai huynh đệ) và sử dụng được kỹ thuật khoa học hiện đại mà ta đang có để cứu được hành tinh xanh, mái nhà xanh yêu dấu. Còn nếu không thì ta sẽ bị tâm bệnh, thân tâm ô nhiễm, bất tịnh rồi lâm bệnh mà chết sớm.
Gia tài trong trong Đạo Phật như đã nêu trên là giá trị đạo đức có tính cách toàn cầu. Các giá trị làm nền tảng này nên dùng làm nguyên tắc sống chung hòa bình, thương yêu và cùng có trách nhiệm trong tình anh em gia đình thì tư trào toàn cầu hóa và các hệ luỵ sẽ không còn là một đe dọa nữa, và ta sẽ có khả năng bảo vệ được những gì đẹp đẽ nhất và quý báu nhất của các nền văn hóa địa phương, đặc biệt là nhằm góp phần vào các giải pháp làm đảo ngược quá trình trái đất nóng dần lên một cách tốt nhất. Người Phật tử tứ chúng (xuất gia: tăng và ni, tại gia: cư sĩ nam và cư sĩ nữ) chúng ta cần đến với nhau và đóng góp thật nhiều trong việc giáo dục, nâng cao ý thức về các giá trị đạo đức trên bằng mọi phương tiện trong mọi không gian và thời gian. Người phật tử thọ trì tốt năm giới, đặc biệt là giới thứ nhất (tôn trọng và bảo vệ sự sống) và giới thứ năm (tiêu thụ chánh niệm) sẽ góp phần đáng kể trong nỗ lực chung ứng phó với biến đổi khí hậu. Hành trình Rừng Gọi gieo mầm yêu thương khắp cả trong và ngoài nước thông qua các hoạt động giáo dục đạo đức môi trường trên nền tảng tuệ giác của Phật, hành động thiết thực bảo vệ rừng xanh dấu yêu, hỗ trợ người thương thanh lọc thân tâm, chăm sóc môi trường tự thân và môi trường xung quanh, sống thiểu dục – tiết chế, sống xanh, sống lành đã được báo đài trong ngoài được đưa tin, ca ngợi và lan toả.
Tỳ kheo Thích Tuệ Đức (Sư Rừng Gọi).