Hạnh đầu-đà về một vài phương diện khá giống với khổ hạnh của ngoại đạo nhưng mục đích hoàn toàn khác nhau. Đầu-đà là phương tiện quý báu trợ duyên cho sự thoát ly khỏi tham dục. Tu hạnh đầu-đà để thành tựu Giới, tăng trưởng Định, và viên thành Tuệ.
Rõ ràng, trong thời hiện đại hiếm có người tu nào giữ được trọn hết các hạnh đầu-đà và may mắn thay hôm nay Đất nước chúng ta và Thế giới được diện kiến Đầu đà Minh Tuệ một cách rõ ràng qua pháp ngữ và thân giáo của ngài. Công hạnh của bậc Thánh Đầu đà đệ nhất nhắc nhở chúng ta về một đời sống giản dị, thanh bần, tam thường bất túc, muốn ít và biết đủ. Làm sao để trong đời sống tu hành không bị vướng mắc nhiều quá vào ăn, mặc, ở hay ngũ dục, ngũ trần nói chung. Vì giải thoát, trong ý nghĩa đơn giản nhất là không bị kẹt, bị dính mắc, thong dong với mọi thứ trong đời sống hàng ngày và thích nghi với mọi hoàn cảnh, nơi đâu cũng là nhà.
Bậc Thánh đầu-đà là người buông tất cả mà có tất cả. Tài sản của vị ấy là tín tài, tấn tài, niệm tài, định tài, tuệ tài và không ai có thể lấy cắp hay không gì có thể làm hư hoại 5 loại tài sản ấy. Hương đức hạnh của vị ấy ngược gió khắp tung bay vượt qua mọi giới hạn và thành trì ngăn chia của thể chế, màu gia, tôn giáo, chủng tộc, đất nước …
Đầu-đà, tiếng Phạn và Pāli cùng viết dhūta, nguyên nghĩa là rũ sạch bụi bẩn phiền não, là từ bỏ sự tham muốn và dính mắc vào ba thứ tam thường đó là áo quần (mặc), ăn uống (ăn) và chỗ ở (ở) để tu luyện thân tâm hướng đến giải thoát rốt ráo.
Căn cứ kinh Tăng nhất A-hàm về hạnh Đầu-đà, Đức Phật dạy: “Ai khen ngợi người tu các hạnh đầu-đà tức là đã khen ngợi Như Lai. Vì sao vậy? Vì Như Lai thường khen ngợi người tu các hạnh đầu-đà. Ai chê bai người tu các hạnh đầu-đà tức là đã chê bai Như Lai”1.
Đức Phật khen ngợi: “Lành thay, lành thay, Đại Ca-diếp! Pháp đầu đà thành tựu ba cõi: Người, Trời và Niết Bàn như ý nguyện. Pháp đầu đà hằng nuôi dưỡng, bảo vệ chúng sinh, là ruộng phước cho chư Thiên và loài người (nhân loại). Thầy đã tạo nhiều điều lợi ích, độ người vô lượng, tất cả trời, người đều được độ thoát. Vì sao như vậy? Này Đại Ca-diếp, hạnh đầu-đà còn ở thế gian thì giáo pháp của Như Lai cũng tồn tại lâu dài ở đời. Nếu giáo pháp tồn tại ở đời thì chúng sanh cõi trời (thiên đạo) sẽ tăng, chúng sanh nơi ba đường dữ (ác) liền giảm. Đồng thời, người thành tựu các quả vị Thánh Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-La-hán đều còn nơi thế gian”2.
Trong một đoạn kinh khác, Đức Phật còn huyền ký: “Lành thay, lành thay! Ca-diếp đã làm nhiều điều lợi ích. Thầy là bạn tốt, là ruộng phước cho người đời. Này Ca-diếp, thầy nên biết! Sau khi Ta nhập Niết-bàn khoảng hơn một ngàn năm, sẽ có các Tỳ-kheo bỏ bê việc tham thiền, chẳng thực hành pháp đầu-đà nữa, cũng không khất thực, không mặc y phấn tảo mà chỉ tham lam thu nhận y phục, thực phẩm của thí chủ thỉnh mời. Họ cũng chẳng ngồi bên gốc cây, ở nơi thanh vắng, chỉ ưa thích trang hoàng nhà cửa, phòng ốc, đam mê các dược thảo (thuốc) cực kỳ ngon ngọt, rồi tham đắm tài sản, lẫn tiếc nhà cửa, thường tranh chấp nhau”3.
Như vậy, đầu-đà là một trong muôn hạnh tu được Đức Thế Tôn chỉ dạy và ngợi khen. Không những vậy, nó còn được xem là một trong những hạnh tu căn bản phản ánh phẩm chất đạo đức tam thường bất túc, thiểu dục, tri túc của một người xuất gia lấy mục đích giác ngộ giải thoát làm cứu cánh. Nó không phải là pháp tu khổ hạnh, bởi khổ hạnh là một cực đoan mà người tu hạnh đầu-đà phải từ bỏ: “Tỳ-kheo sống viễn ly, thanh vắng, giải thoát cần từ bỏ hai cực đoan đó là lợi dưỡng, chạy theo ngũ dục hay hành xác, hành hạ bản thân (khổ hạnh, ép xác), thân và tâm phải thanh tịnh, thực hành theo hạnh đầu-đà trong sự hân hoan, vui khoẻ”4.
Khổ hạnh, tiếng Phạn là duṣkara-caryā, tiếng Pāli là dukkara-kārikā, được hiểu là một phương pháp tu hành bằng cách tự hành hạ bản thân, đọa đày thể xác nhằm đạt được giải thoát hay đạt đến một ước nguyện nào đó. Danh và nghĩa hoàn toàn khác với hạnh đầu-đà.
Trong kinh điển Phật giáo, khi nói đến khổ hạnh, chủ yếu là nói đến pháp tu hành của ngoại đạo để cầu sinh thiên giới. Những pháp tu này có rất nhiều cách và rất quái dị, như lấy tro bôi vào thân thể, lấy cây đánh đập thân thể đến tươm máu, hoặc suốt đời ăn phân bò, chịu đựng nhịn đói cực đoan trong một thời gian dài, sống như con bò, con chó, uống nước tiểu bò, ăn cỏ khô và những thứ dơ bẩn…
Họ thực hành khổ hạnh như vậy vì tin rằng, đó là nhân hạnh để được giải thoát, đắc quả, được sinh lên cõi trời.
Khi Đức Thế Tôn mới xuất gia, Ngài từng theo các vị tiên nhân ở rừng khổ hạnh (khổ hạnh lâm) thực tập khổ hạnh một cách cực đoan sáu năm thân thể gầy mòn, héo hon nhưng không lợi ích gì: “Này Sariputta, dầu Ta có theo cử chỉ như vậy, theo hành lộ như vậy, theo khổ hạnh như vậy, Ta cũng không chứng được các pháp thượng nhân, không có tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Vì sao vậy? Vì với những phương tiện ấy, không chứng được pháp thượng nhân với Thánh trí tuệ”5.
Tóm lại, danh từ và ý nghĩa của đầu-đà và khổ hạnh như trình bày trên hoàn toàn khác nhau. Đầu-đà là một trợ hạnh, một lối sống chánh mạng, chánh đạo theo đúng tinh thần bậc thánh về tam thường bất túc, thiểu dục tri túc tối giản đời sống về ba nhu yếu ăn, mặc, ở và có sự vui khoẻ, hân hoan trong tu tập để có nhiều thời gian hành thiền, quán chiếu nhằm đạt được mục đích bất động giải thoát. Trong khi khổ hạnh là một cực đoan mà người tu hạnh đầu-đà hay bất kỳ một vị chân tu nào cũng cần phải từ bỏ nó.
Xin mời người thương hãy cùng tôi bước chậm lại giữa thế gian vội vã, để có thể lắng nghe và cảm nhận cuộc sống của chính mình. Với một bản tâm đủ thấu hiểu để an tĩnh đối diện với mọi vô thường của cuộc sống, người thương có thể thanh lọc thân tâm theo liệu pháp 7T Rừng Gọi để từ đó có sự hân hoan trong tu tập và cùng nhau “vẽ” nên Bức tranh Bình An Giải Thoát Giữa Chốn Nhân Gian của chính cuộc đời mình, ngay tại thế giới hiện thực này.
Tìm gì giữa chốn trần gian?
Dạ thưa, tìm chút bình an đủ rồi
Thanh lọc thân thể bớt hôi
Bùn Sen chuyển hoá luân hồi tốt tươi
7 T tuyệt lắm người ơi
Ta cùng tinh tấn khoẻ cười người nha !!!
– Sư Rừng Gọi (Tuệ Đức) –
——————
1 ĐCTT/ĐTK. T02, n0.125, p.569c13.
2 Kinh dẫn thượng.
3 ĐCTT/ĐTK. T02, n0.125, p.746b07.
4 ĐCTT/ĐTK. T17, n0.783, p.720c04.
5 Kinh dẫn thượng.