Xứ sở Ngồi yên giữa thiên nhiên, 30.03.2025.

03/04/2025 - runggoi
Hỏi: Thưa thầy, qua trận động đất tại Myanmar và Thái Lan vừa qua và cũng như trong hoạt động khoá Thanh lọc Rừng Gọi chuyên sâu con thấy có hoạt động Thiền Chết, xin thầy hoan hỷ chia sẻ để chúng con và những người thương quan tâm có thể hiểu rõ, hiểu sâu hoạt động này không ạ?
 
Đáp: Tại Bhutan môn Thiền Chết đã đưa vào học đường và Tuệ Đức đưa Thiền Chết vào Chương trình Thanh lọc Rừng Gọi để giúp người thương tập Chết bình an là Sống trong bình an. Tập Thiền Chết rồi thì ta sẽ lợi dụng lúc ta còn có thì giờ và năng lực để chăm sóc cơ thể, chăm sóc thân tâm, chăm sóc môi trường tự thân, nương tựa và hân hoan với hải đảo tự thân và không bị chôn vùi trong những cơn nghiện cảm xúc hay trong thú vui vô bổ có thể tàn hoại cơ thể chúng ta.
 
Vì ai, người như thế nào rồi cũng chết. Không ai có thể thoát khỏi cái chết.
Người thực hành Thiền Chết quán tưởng: “Thở vào, tôi biết thế nào tôi cũng chết. Thở ra, tôi biết là tôi không thể thoát khỏi cái chết”. Đó là một sự thật mà chúng ta không muốn đối diện. Ta muốn sự thật ấy khuất mắt vì ta sợ. Ta không thể chịu được khi phải nhìn sâu vào cái chết. Nhưng chết là một sự thật. Nỗi sợ chết là nỗi sợ rất thâm sâu. Tiềm thức ta chối bỏ sự thật đó vì mỗi khi nhớ đến, nếu không đủ năng lượng của chánh niệm, chánh định và trí tuệ (vô ngã) thì ta sẽ khổ. Bản năng đối kháng khiến ta cố quên đi sự thật ấy. Nhưng trong sâu thẳm của tâm thức, nỗi sợ về cái chết vẫn còn đó, dằn vặt ta.
 
Nếu tỉnh ngộ được sự thật là một ngày nào đó ta sẽ chết, có lẽ sớm hơn ta tưởng, thì ta sẽ không dại dột hành động điên rồ, mơ tưởng hão huyền là ta sẽ sống mãi với đời. Quán chiếu về cái chết sẽ giúp ta dốc lòng tu tập để thanh lọc, chuyển hóa và chữa trị.chữa lành thân tâm cho ta và cho những người thương khác hữu duyên với ta ở cuộc đời muôn trùng khổ đau, bệnh tật này.
 
Tất cả những gì ta trân quý hôm nay, tất cả những người ta thương thế nào cũng theo luật vô thường như trận động đất vừa qua tại Myanmar và Thái Lan. Ta không biết chắc mọi sự mãi trường tồn, ta không tránh khỏi một ngày phải buông bỏ tất cả. Vì lẽ đó cách hay nhất là ta buông tất cả ngay từ bây giờ để sống một đời thảnh thơi, bình an tâm hồn từ giờ này đến mãi mãi về sau. Đức Phật dạy ta quán chiếu sâu: “Vợ đâu, chồng đâu, con đâu, tài sản đâu, thân ta còn không có, chồng đâu, vợ đâu, con đâu tài sản đâu?”. Ta khổ vì ta dính mắc vào những điều ấy nên khi những điều ta dính mắc ấy mất đi thì ta bị sốc, bị trầm cảm, bị tụt năng lượng, bị khổ đau dằn vặt …
 
Thực tập quán tưởng: “Thở vào, tôi biết là sẽ có ngày tôi phải buông bỏ tất cả những gì mà tôi trân quý, yêu thương. Thở ra, không thể nào tôi có thể mang những thứ ấy theo tôi mãi mãi.” Tất cả những gì mà tôi trân quý, tài khoản ngân hàng, nhà cửa, vợ chồng, người thương, con cái, tôi đều phải từ bỏ. Khi chết, tôi không mang theo được gì hết. Đây là một sự thật khoa học. Ấy vậy mà ngày này qua ngày khác, ta tìm mọi cách để tích lũy tiền tài, danh vọng, kiến thức, bằng cấp, giấy khen và bao thứ khác. Cả đến khi bảy mươi, tám mươi tuổi, ta vẫn tiếp tục tích lũy. Chúng ta biết rất rõ là có ngày ta phải buông bỏ tất cả. Vì vậy, hoạt động thực tập Thiền Chết có trong chương trình Thanh lọc Rừng Gọi chuyên sâu là để mọi người hữu duyên sẽ trải nghiệm sự thực hành như các vị chân tu, các vị tu sĩ xuất gia chân chính là không cất giữ, sở hữu hay dính mắc bất cứ ai hay thứ gì. Đức Phật khuyên các đệ tử của Ngài chỉ nên có ba y, một bình bát và phải sẵn sàng buông bỏ cả những thứ đó. Phật thường khuyên các đệ tử không nên quyến luyến, ham thích một gốc cây hay bất kỳ một trú xứ nào mà mình đã ngồi thiền hay nghỉ qua đêm. Các vị ngồi thiền tập và ngủ dưới bất cứ một thân cây nào. Hạnh phúc không tùy thuộc nơi chỗ ngồi, nơi chốn. Và những vị chọn tu đầu đà là thực hành mạnh mẽ và rốt ráo nhất được Đức Phật tán tán và Đức Vua Trần Nhân Tông (Trúc Lâm Đại sĩ, Trúc Lâm đại đầu đà, Hương Vân đại đầu đà) có đủ duyên thực hành, gần đây rõ nhất là qua pháp hành của Thầy Minh Tuệ và quý sư đầu đà đồng hành cùng.
 
Nếu chúng ta thực tập và có thể buông bỏ thì chúng ta sẽ có tự do và hạnh phúc ngay ngày hôm nay. Nếu không buông bỏ được thì không chỉ ta sẽ phải đau khổ vào thời khắc ta buộc phải xa lìa tất cả mà ta sẽ đau khổ ngay ngày hôm nay vì ám ảnh của nỗi sợ bị mất đi mãi mãi. Có nhiều người tuy già mà vẫn tham lam, keo kiệt không bao giờ muốn chia sẻ, bố thí ai một thứ gì. Những người này chắc chắc không có hạnh phúc lớn, thân tâm chắc chắn không khoẻ nhẹ và thật đáng hổ thẹn. Chẳng phải là vì họ không biết rằng họ phải buông bỏ tất cả trong một ngày rất gần đây thôi, có thể là vài tháng hay vài tuần, thậm chí vài ngày, mà chỉ vì họ có tập khí (thói quen) là dành cả cuộc đời tìm hay đeo đuổi hạnh phúc trong việc tích lũy vật chất, bằng cách tích trữ, sở hữu, ôm giữ khư khư đến hơi thở cuối cùng tại nhà hay trên giường bệnh hay “quỷ vô thường” chợt đến bắt đi bất cứ lúc nào thì hối tiếc đã muộn màng.
 
Đức Phật có lần khuyên các đệ tử nhìn lên mặt trăng để cảm nhận sự tự do của mặt trăng trên bầu trời thênh thang. Là hành giả, là con Phật chúng ta phải được tự do như mặt trăng. Nếu chỉ lo tích lũy tiền của, danh vọng, quyền lực, tình ái, chúng ta sẽ mất hết tự do.
 
Thực tập Thiền Chết và Quán Tưởng như vậy giúp chúng ta chấp nhận những nỗi sợ thâm sâu, chấp nhận chết là sự thật ta không thể nào thoát khỏi. Khi đã chấp nhận sự thật ấy thì ta có thể tìm được bình an và có khả năng sống một cuộc sống có ý thức, lành mạnh, thương yêu và không bao giờ gây khổ đau cho mình và cho người khác cũng như muôn loài. Ta sẽ không bao giờ xâm hại hay huỷ hoại tế bào, cơ quan của cơ thể ta cũng như không bao giờ xâm hại, huỷ hoại người khác cũng như loài khác và môi trường sống.
 
Cách thực tập Thiền Chết đúng là mỗi ngày dành một thời gian nào phù hợp trong ngày ngồi yên một không gian phù hợp để thực hành. Hãy đem nỗi sợ lên tầng ý thức và mỉm cười với nỗi sợ. Mỗi khi người thương mỉm cười với nỗi sợ thì nỗi sợ sẽ yếu đi một chút. Nếu chạy trốn nỗi sợ thì không có cách nào khác để cứu vãn. Chỉ có cách nhìn sâu vào gốc rễ của sợ hãi thì mới tìm ra giải pháp.
Pháp Thiền Chết và Quán Tưởng đưa chánh niệm tiếp xúc với hạt giống lo sợ. Hạt giống lo sợ có đó trong ta. Nếu ta không thực tập ôm ấp hạt giống lo sợ bằng chánh niệm thì mỗi khi đối diện với sự thật, chúng ta sẽ đau khổ nhiều. Phần đông chúng ta thời văn minh, hiện đại ngày nay tìm giải trí bằng tivi, máy vi tính, trò chơi điện tử, rượu, bia, thuốc lá và ma túy để chống lại (khoả lấp) nỗi cô đơn trống vắng trong lòng và quên đi sự hiện hữu của tuổi già, bệnh, chết và sự vô thường của những gì ta đang trân quý.
 
Thiền Chết là chánh niệm về cái Chết, tức là việc chúng ta đưa thân tâm hợp nhất bây giờ và ở đây, đưa nỗi sợ lên phần ý thức mỗi ngày và nói thầm: “Này nỗi sợ Chết của tôi, tôi không sợ Chết hay sợ gì hết. Tôi không sợ phải đối diện bạn. Tôi biết thế nào tôi cũng Chết. Tôi không thể thoát khỏi cái Chết.” Ta ôm ấp nỗi sợ Chết bằng chánh niệm. Như thế ta có hai nguồn năng lượng, năng lượng của nỗi sợ Chết và năng lượng của chánh niệm. Năng lượng của nỗi sợ Chết khi được năng lượng chánh niệm ôm ấp sẽ yếu dần và trở thành hạt giống lép trong chiều sâu tậm thức.
 
Nỗi sợ Chết cũng như tất cả mọi nỗi sợ khác (đói, khát, bệnh, già, tai nạn, mất của, đổ vỡ hôn nhân …) không biến mất hoàn toàn. Cho nên khi ta có một phút yên tĩnh, vài phút ngồi yên thì hãy tập trung thực hành Thiền Chết cũng như thiền về các nỗi sợ khác một cách phù hợp để chủ động đưa nỗi sợ Chết cũng như những nỗi sợ khác lên lên phần ý thức và thủ thỉ, thì thầm rằng: “Này nỗi sợ của ta. Ta biết ngươi rồi. Hãy lên đây cùng ta. Ta thế nào cũng chết. Ta không thể nào thoát được cái chết.” Bạn ôm ấp nỗi sợ như thế trong vài phút đến vài giờ bằng năng lượng chánh niệm. Cứ như thế mỗi ngày, nỗi sợ của bạn sẽ yếu dần và như thế bạn càng có thêm tự do, vui tươi, sức khoẻ, bình an, hạnh phúc.
Tất cả những gì biểu hiện là sự có mặt của nhiều nguyên nhân. Khi đầy đủ nhân duyên thì thân thể có mặt. Khi nhân duyên không đầy đủ thì thân thể không có mặt. Điều này cũng đúng với mắt, tai, mũi, lưỡi, ý thức,… Phải hiểu rõ bản chất của cái chết mới hiểu được bản chất của sự sống. Nếu không hiểu rõ sự chết thì không hiểu được sự sống. Sự thật mỗi hơi thở vào ra ta có hàng tỷ tế bào cũ chết đi và hàng tỉ tế bào mới sinh ra. Cái chết là nền tảng cho cái sống, sự sống sẽ không xảy ra nếu không có sự chết cũng như không có rác thì sẽ không có hoa, không có bùn thì sẽ không có sen. Hạnh phúc có thể có mặt trong khổ đau là sự thật.
 
Quả đúng như lời Phật dạy: “Cội rễ của khổ đau là vì vô minh (ngu si) không biết rõ bản chất của các pháp, của cái ngã và thế giới quanh ta. Vì không biết nên chúng ta sợ. Sợ đưa đến khổ. Vì vậy, không sợ hãi (vô úy) là món quà quý nhất mà ta có thể tặng cho chính ta và cho mọi người. Bố thí vô uý là bố thí tối thượng”.
 
Năng lượng của sự không sợ hãi nhất là không sợ hãi cái chết là chìa khóa, là nền tảng tốt nhất cho mọi hoạt động cộng đồng – xã hội, hoạt động vì yêu thương để bảo vệ nhân loại, bảo hộ Trái đất – Mái nhà chung Thế giới, và thỏa mãn nhu cầu thương yêu và phụng sự.
 
Sống hạnh phúc và chết bình an là điều ta có thể hoàn toàn làm được. Muốn thế chúng ta phải thanh lọc sâu, thiền sâu để thấy được rằng chúng ta đã – đang và sẽ tiếp tục biểu hiện dưới nhiều hình thái khác nhau. Nếu chúng ta có đủ vững chãi và không sợ hãi thì chúng ta có thể giúp cho rất nhiều những người khác đang có nhiều tuyệt vọng, khổ đau. Rất nhiều người trong chúng ta sợ hãi về sự đoạn diệt, về sự chết sự đói khát, bệnh đau …. Vì sợ mà khổ. Vì vậy, những người thương ở giai đoạn cuối, gia đoạn hấp hối cần được hướng dẫn để thấy được rằng chúng ta chỉ là một biểu hiện trong hiện tại và đã – đang – sẽ được tiếp nối dưới rất nhiều những biểu hiện khác nữa bây giờ và trong tương lai.
 
Nếu biết cách thực tập và thấu hiểu sự thật của cái Chết, của năng lượng không sinh không diệt, rằng đến đi chỉ là những ý niệm và nếu chúng ta bình an, vững chãi, ta có thể giúp nhiều người hấp hối vượt qua nỗi sợ hãi và khổ đau để ra đi một cách bình an, siêu sanh về nơi nhàn cảnh. Bản thân chúng ta sống không còn sợ hãi và chết được bình an khi chúng ta hiểu rằng không có chết đi mà chỉ có sự ẩn tàng và biểu hiện.
 
Thương chúc cho tất cả những người thương hữu duyên Rừng Gọi tỉnh thức với thông điệp quan trọng này ngay bây giờ và thực hành ngay để luôn có bình an. Chúc cho quý vị đừng để quá muộn như vị Cấp Cô Độc thời Đức Phật mãi đến những giờ phút cuối cùng của cuộc đời, ông mới nhận được một món quà quý báu là sự vô úy (không sợ hãi) và ông ta đã từ giã cõi trần một cách đẹp đẽ, bình an, không còn đau nhức như nhiều người thương hữu duyên Thanh lọc Rừng Gọi sâu đã nhận ra và thực hành được.
 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *