Báo Tuổi Trẻ có bài viết về Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật vào năm 2003. Xin trân trọng giới thiệu đến độc giả bài viết này để chúng ta hiểu rõ hơn về người sáng lập Rừng Gọi. Anh đã có một thời tuổi trẻ đầy cống hiến cho môi trường nói chung và Vườn quốc gia Cát Tiên nói riêng.
“Một chàng sinh viên tốt nghiệp thủ khoa Đại học Nông lâm TP.HCM đã quyết chí tình nguyện về rừng Cát Tiên công tác, mặc dù có đến ba cơ quan tại TP.HCM và một cơ quan nước ngoài “trải thảm đỏ” mời về làm việc với mức lương hấp dẫn. Mấy năm qua anh đã tự biến mình thành “người rừng” để hiểu rừng và giữ rừng bằng tất cả sức trẻ của mình!
Từ tiếng sáo bên bờ sông Ba
12 năm trước đây, một con lũ lớn theo dòng sông Ba tràn về tàn phá hàng trăm ngôi nhà của xã Hòa Phong, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Sau cơn lũ dữ, cậu bé Nguyễn Huỳnh Thuật – lúc đó mới 12 tuổi – đã phải nghiêng vai gánh nỗi nhọc nhằn cùng cha me lo cho bốn đứa em thơ dại. Thuật nuôi một đàn heo con, ngày ngày sau giờ học đi mót lúa, cắt rau nuôi chúng. Sau vài năm cậu bé học được cách đỡ đẻ cho heo và cả… thiến heo! Lúc bấy giờ ở xã Hòa Phong người ta nuôi heo nhiều lắm nên dịch vụ đỡ đẻ và thiến heo đắt như tôm tươi. Giờ rảnh, Thuật đi lòng vòng trong xã với cây sáo trúc trên tay lúc nào cùng du dương điệu buồn sông Ba muốn thuở. Đó là cách “tiếp thị” làm vui khách hàng của cậu bé mới vào nghề.
Nhưng chính cái nghề có vẻ như không “hạp” lắm so với một cậu bé mới học lớp 8 ấy lại giúp Thuật có thêm điều kiện theo tới lớp 12 ở trường tỉnh. Tốt nghiệp THPT với điểm số tất cả các môn thi đều trên 8 duy chỉ có môn tiếng Anh là 4,4 khiến Nguyễn Huỳnh Thuật bị loại khỏi danh sách học sinh giỏi trong tỉnh. Thuật ôm “mối hận English” này cho đến khi đậu vào khoa lâm nghiệp của ĐH Nông lâm TP.HCM. Mỗi ngày chàng sinh viên đạp xe hơn 40km từ ký túc xá đến các điểm dạy kèm với quyết tâm dành dụm tiền để đi học thêm tiếng Anh. Đến năm 3, Nguyễn Huỳnh Thuật đã thi TOEFL với so điểm 490, sau đó đoạt luôn giải xuất sắc cuộc thi hùng biện tiếng Anh do trường tổ chức.
Đi cùng những thành tích này là tiếu luận về đề tài bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn đã giúp Thuật trở thành một trong những sinh viên điển hình trong học tập và nghiên cứu khoa học của ĐH Quốc Gia TP.HCM năm 1990.
Đến tiếng gọi của rừng hoang dã
Năm 2000, nhận bằng tốt nghiệp ĐH Nông lâm với ngôi vị thủ khoa, chàng sinh viên trẻ đã băn khoăn trước bốn lời đề nghị: ở lại trường làm cán bộ giảng dạy khoa lâm nghiệp, về Ban quản lý dự án phát triển lâm nghiệp của ĐH Quốc gia, làm chuyên viên của Trung tâm Du khảo sinh thái thành phố hoặc làm việc tại interchem- một đối tác nước ngoài chuyên về các dự án rừng.
Cuối cùng Nguyễn Huỳnh Thuật lại khăn gói tận rừng Cát Tiên với lá đơn tình nguyện. “Những cơn lũ năm 1991 tràn theo dòng sông Ba về gieo rắc tang thương cho quê nhà Hòa Phong do rừng đầu nguồn bị tàn phá nặng nề luôn ám ảnh. Tôi chọn làm người giữ rừng Cát Tiên, khu rừng đang đóng vai trò là một trong những khu dự trữ sinh quyển lớn của thế giới “. Thuật tâm tình như thế và bắt tay ngay vào công việc khi lá đơn tình nguyện được ban giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên chấp thuận. Ngày ngày Thuật lặng lẽ vác balô vào rừng sâu tìm hiểu cặn kẽ về cấu trúc rừng, hệ động vật, thực vật và đặc biệt là nhũng loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng trên khắp thế giới nhưng vẫn hiện diện nơi này. Thuật trở thành người bạn thân thiết với cây cối, chim muông và với cả các bản làng người dân tộc S’Tiêng, Châu Ro, Châu Mạ… đang sinh sồng trong khu rừng thâm u này. “Đứa con của núi rừng” đã hiểu rừng thật sự là nơi tôn nghiêm của những người dân tộc nơi đây. Họ đau xót lắm trước chuyện săn bắn thú, đốt rẫy, phá rừng…nhưng vì cái ăn, cái ở họ phải làm điều mà “cái bụng” không hề muốn chút nào!
Sau một năm “say” với rừng, Thuật đã có đủ bản lĩnh và kinh nghiệm để dọc ngang giữa hàng ngàn hécta rừng nguyên sinh như một “người rừng thứ thiệt”. Dịp may đến, Quĩ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) chọn Cát Tiên là nơi tiến hành dự án giáo dục bảo tồn môi trường sinh thái rừng. Qua khảo sát trình độ chuyên môn và khả năng ngoại ngữ, họ chọn ngay Nguyễn Huỳnh Thuật vào vai cán bộ dự án. Từ dự án này, Thuật đã trở thành “người rao giảng” thường xuyên về ý thức bảo vệ rừng ở 42 trường học nằm trên địa bàn 32 xã thuộc tám huyện chung quanh Cát Tiên. Thuật và các cán bô của rừng Cát Tiên luôn có hoài bão làm sao bằng nhiều dự án đồng bào sẽ có cái ăn, cái mặc, phát triển được các nghề truyền thống để vững vàng hơn trong việc bảo vệ rừng như bảo vệ nơi tôn nghiêm nhất cùa mình. Có vẻ bây giờ chính rừng bao la đang níu chân chàng trai đã dám đặt cược sự lãng mạn của mình để mong rừng sẽ xanh vĩnh cửu.”
Công Tiến