Anh Đức Bình, nguyên Giám đốc nhà xuất bản Văn Nghệ, có 21 ngày nhịn ăn tại Rừng Gọi, Nam Cát Tiên, Tân Phú, Đồng Nai. Anh chia sẻ về những thay đổi của bản thân qua hai bài viết TẠI SAO TÔI ĐI THANH LỌC (https://runggoi.com/2020/11/13/tai-sao-toi-phai-di-thanh-loc/) và TÔI ĐÃ “NHỊN KHÔ” 21 NGÀY NHƯ THẾ NÀO? (https://runggoi.com/2020/11/15/toi-da-nhin-kho-21-ngay-nhu-the-nao/).
Bài viết thứ ba này nói về cách ăn ra qua những trải nghiệm của anh. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Ban đầu nghe từ “ăn ra” tôi cũng hơi lạ tai. Nhưng hiểu đại khái thì đó là việc “ăn trở lại sau quá trình nhịn ăn”. Mọi người thường nghĩ rằng nhịn đói mới khó chứ khi được ăn ra thì sướng quá trời rồi lo gì. Suy nghĩ như vậy là hoàn toàn sai lầm. Tôi nhớ, hồi nhỏ đọc truyện ngắn “Một bữa no” của nhà văn Nam Cao kể về một bà lão nghèo khó thiếu ăn cả đời, khi được đãi một bữa ngon, bà đã ăn lấy ăn để và bữa cơm no nhất đó lại chính là bữa ăn cuối cùng của đời bà… Câu chuyện này còn ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Tôi nhớ lúc Phùng Quán còn sinh thời, khi ngồi nghe ông đọc bài thơ “Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe”, đến giữa chừng, Phùng Quán dừng lại và chú thêm rằng “Đỗ Phủ cuối đời bị nghèo đói, thiếu ăn 10 ngày, sau đó nguời dân phát hiện ra nhà thơ và cho ăn, do ăn no quá nên ông bị thủng dạ dày mà chết. Vì vậy, hình thức là chết đói nhưng thực chất là chết no”. Tôi cũng nghe người lớn kể lại, nạn đói năm 1945, sau khi Việt Minh lãnh đạo phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo, trong số hơn 2 triệu nguời chết, số người chết vì no cũng không phải là ít. Vì thế, tôi hiểu đuợc ĂN RA LÀ VÔ CÙNG QUAN TRỌNG như thế nào.
Khi chúng tôi ăn ra, Nguyễn Huỳnh Thuật bận đi cứu trợ đồng bào miền Trung. Trước khi đi, Thuật dặn dò kỹ lưỡng tầm quan trọng của ăn ra và các bước cần thực hiện. Thuật nói: Ăn ra cũng như leo thang vậy, khi ta leo lên bao nhiêu bậc thì khi xuống cũng phải bấy nhiêu. Tôi hiểu, vậy là truớc khi nhịn 21 ngày ta ăn thịt cá thì phải sau 21 ngày kể từ ngày thôi nhịn ta mới nên ăn thịt cá lại. Tuyệt đối không nên vội vàng.
Theo Thuật, khi thấy cơ thể thực sự đói mới là lúc cần ăn ra. Còn thầy Thích Tuệ Hải nói rằng khi người ta nhịn đói trọng luợng cơ thể giảm khoảng 40%, thân nhiệt giảm duới 30 độ C mới nguy hiểm, còn không cứ vô tư nhịn. Khi tôi nhịn được 21 ngày, vẫn chưa có cảm giác đói, vẫn có thể chạy xe máy đi chợ Nam Cát Tiên hoặc lấy xe máy chở mấy cháu đến Rừng Gọi thanh lọc ra đuờng lớn đón xe về Sài Gòn. Thế nhưng anh trai và bà xã tôi thấy lâu về quá cũng nôn nóng muốn ra thăm xem sự thể thế nào, luôn tiện cũng muốn đi thăm quan Rừng quốc gia Nam Cát Tiên. Hơn nữa anh bạn tôi muốn thử nghiệm tẩy ruột bằng chanh mật ong trước khi ăn ra nhưng bị sai lầm (bị gout cấp trở lại) nên phải ăn ra ngay sau 18 ngày. Vì thế, sau 21 ngày tôi nghĩ mình cũng nên dừng lại.
Ăn ra quan trọng vì sau thời gian nhịn ăn thanh lọc các bộ phận nội tạng trong ta trở nên rất nhạy cảm. Để dạ dày hoạt động trở lại phải cho nó thích nghi từ từ. Theo hướng dẫn của Thuật, trước hết phải uống nước gạo lứt rang, sau đó ăn cháo gạo lứt loãng rồi đặc, sau khi hết ăn cháo mới ăn cơm gạo lứt muối mè cho cân bằng âm dương. Đáng chú ý khi ăn cháo và cơm không nên ăn no ngay mà chỉ nên ăn ít một, chia làm nhiều bữa. Có thể 2 – 3 tiếng ăn một lần. Đặc biệt, khi ăn phải nhai kỹ tối thiểu 50 lần, nhai xong nuốt một lần. Tôi đọc sách, thấy nói rằng phải “ăn như uống, uống như ăn”. Khi ăn cần nhai kỹ thành nước mới nuốt, khi uống cần ngậm nước nhai 5-7 phút mới nên nuốt.
Để tránh táo bón và khó ăn đối với nguời chưa ăn gạo lứt muối mè quen, khi nấu cơm có thể cho thêm đậu đỏ, đậu đen hoặc hạt sen… Thức ăn thì ngoài muối mè cũng có thể rau củ quả luộc chấm tuơng Tamarin hoặc nấu với Miso.
Người ăn ra sau khi nhịn ăn tốt nhất là ăn chay thực dưỡng (macrobiotics) theo phương pháp Ohsawa. Trong những ngày thanh lọc rảnh rỗi, nhờ tủ sách của Rừng Gọi mà tôi phát hiện ra xu thế THỰC DUỠNG ở Việt Nam đang ngày càng phát triển. Vậy mà lâu nay mình không để tâm tới. Dù sao thì muộn còn hơn không.
Càng đọc, càng hiểu mới thấy thì ra hiện nay mình ăn uống quá sai lầm. Từ thực phẩm công nghiệp đến cách nấu nuớng thời nay đều sai. Ông bà tổ tiên ta từ xa xưa đã rất thông minh khi dùng nồi gang, nồi đất, bếp củi… đồ ăn nấu luôn bảo đảm âm duơng, ngũ hành. Nay thời hiện đại dùng lò vi sóng, bếp từ, bếp điện… nấu nhanh, sạch và tiện lợi thật nhưng phá vỡ các cấu trúc trong thực phẩm, ăn vào gây nhiều bệnh tật. Nghe nói nước Nhật đã cấm sử dụng lò vi sóng từ năm 2018 (?).
Để bảo đảm sức khoẻ con người, duy trì nòi giống tốt, tôi nghĩ sản xuất lương thực, thực phẩm sạch, hữu cơ sinh học sẽ phải là tất yếu. Chúng ta cần phải tẩy chay các thực phẩm bẩn, dùng hoá chất, thuốc tăng truởng, thuốc bảo vệ thực vật độc hại…
Đức Bình