Bài viết trích trong tập phóng sự: “Chuyện về những người thoát bệnh hiểm nghèo bằng nhịn ăn và thực dưỡng – NXB Hội nhà văn, ra mắt trung tuần tháng 4/2019.
Người mà chúng tôi đến gõ cửa đầu tiên là ông Lê Minh Tuấn, cư trú tại số 3 phố Yên Thế, Hà Nội. Mặc dầu đã nhiều lần nghe kể chuyện về ông nhưng khi gặp, tôi vẫn cứ bị bất ngờ. Một vóc dáng chắc nịch, một làn da hồng hào, một giọng nói sang sảng như chuông… Cứ nhìn tạng người ấy, chẳng ai nghĩ ông đã ngấp nghé tuổi bảy mươi và biết bao ngày tháng ông phải vật lộn quyết liệt với bệnh tật để giành sự sống cho mình. Ông Tuấn kể: “Tháng 8 năm 1983, tôi thấy người mệt mỏi, gầy sút cân, khó thở khi lên xuống cầu thang nên đi khám và nằm điệu trị tại khoa đông y của Bệnh viện quân y 108. Khi đó, tôi đang công tác tại Ban hậu cần của Bệnh viện. Vì nghi tôi bị viêm phế quản nên bác sĩ Lê Minh, chủ nhiệm khoa chỉ định tôi chụp X-quang phổi. Xem phim, ông phát hiện một khối mờ ở đỉnh phổi bên phải. Bác sĩ Lê Minh chỉ định tôi chụp cắt lớp. Tôi hoảng hồn khi nghe ông bảo: “Anh có một khối u ở đỉnh phổi bên phải, đường kính 5 cm”. Trời ơi! Chẳng lẽ tôi bị ung thư sao? Mà nếu đúng như vậy thì mổ làm gì? Bạn bè bảo tôi: Ung thư là kỵ nhất đụng chạm dao kéo. Tôi không mổ. Cho nên khi viện quyết định chuyển tôi sang khoa ngoại B5 để phẫu thuật và điều trị, tôi không chịu. Thật may mắn, tôi được bác sĩ Lê Minh hướng dẫn miệng cho tôi phương pháp chữa bệnh mới bằng nhịn ăn và ăn gạo lứt, muối vừng. Vào thời điểm đó, phương pháp này còn hoàn toàn mới lạ với quảng đại quần chúng. Tài liệu gần như không có. Song ngay lập tức, tôi hiểu ra bản chất của phương pháp chữa bệnh đặc biệt này và quyết tâm thực hiện, theo đuổi. Tôi xin ở lại khoa Đông y để điều trị nhưng Bệnh viện không đồng ý. Cho nên, tôi quyết định viết đơn xin ra viện để về tự chữa bệnh cho mình”.
Vừa nói, ông Tuấn vừa lục tìm trong túi hồ sơ, đưa chúng tôi xem giấy ra viện ngày 20 tháng 8 năm 1983 do BS Nguyễn Hồng Nhơn, Viện trưởng ký với kết luận: “U thùy trên phải phổi. Đã thuyết phục bệnh nhân điều trị nhưng bệnh nhân không chịu thực hiện gì về thuốc men cũng như thực hiện các xét nghiệm theo dõi và điều trị. Bệnh nhân thiết tha làm đơn xin ra viện để tự điều trị bệnh của mình và chịu trách nhiệm với bệnh tật…”. Bỏ qua mọi lời can ngăn của người cha, bác sĩ Nguyễn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện quân y 108, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt-Tiệp Hải Phòng, bỏ qua lời van xin cầu khẩn của vợ, ông Tuấn quyết tâm “dù sống hay chết cũng bằng phương pháp chữa bệnh này”. Với niềm tin tuyệt đối vào phương pháp chữa bệnh mới mẻ này, bằng quyết tâm, ý chí và nghị lực, ông Tuấn mỗi ngày chỉ ăn hai bữa (bữa sáng và trưa), nhịn ăn bữa chiều. Chủ nhật, ông nhịn cả ngày, hạn chế uống nước tối đa, chỉ nhấp một chút khi khát. Ông Tuấn giải thích: “Vì tôi vẫn phải đi làm nên không có thời gian nhịn ăn dài ngày”.
Sau 4 tháng thực hiện ăn cơm gạo lứt muối vừng (từ ngày 1/12/1983 đến 30/3 năm 1984), ông Tuấn sụt 25 kg, từ 65 kg sụt chỉ còn 40 kg. Thấy sức khỏe của ông quá suy sụp, bệnh viện đã quyết định đình chỉ công tác, đưa xe tới nhà ông, ép vào viện chụp phim phổi. Kết quả thật bất ngờ: khối u to như quả trứng gà đã biến mất hoàn toàn khiến giới y học Bệnh viện quân y 108 vô cùng sửng sốt, ngạc nhiên. Trao đổi với chúng tôi, GS- BS Lê Minh khẳng định: “Lúc đó, bệnh nhân Nguyễn Minh Tuấn đã bị ung thư phổi. Vì sự cương quyết của bệnh nhân nên bệnh viện đành phải cho ra viện. Vì phương pháp này vẫn chưa được khoa học chứng minh nên vẫn còn nhiều tranh cãi, bệnh viện không thể chỉ định điều trị. Trường hợp của đại úy Tuấn là ca đầu tiên ở Việt Nam khỏi bệnh bằng phương pháp này”.
Năm 1984, ông Tuấn được nghỉ công tác ở tuổi 39, chờ quyết định nghỉ hưu, cấp bậc đại úy. Ông cười bảo: “Hết bệnh tôi vô cùng sung sướng. Song mất khối u, như cây mới chỉ mất ngọn. Nguyên nhân sinh ra khối u vẫn còn (gốc vẫn còn). Năm 1987, tôi lại bị ho và sốt. Biết chắc rằng bệnh sẽ tái phát nên tôi đã quyết định nhịn ăn 60 ngày liên tục, chỉ nhấp hớp nước trắng đun sôi khi thấy khát. Nhịn được 5 ngày thì tôi hết sốt, 10 ngày hết ho. Cả nhà bắt tôi ăn trở lại nhưng tôi vẫn kiên định nhịn vì tôi thấy vẫn tỉnh táo, minh mẫn. Ngày ngày, bố tôi đều kiểm tra sức khỏe cho tôi. Trời mùa hè nóng như thiêu như đốt mà gia đình vẫn phải trải chăn cho tôi nằm vì người tôi sụt cân, chỉ còn 37 kg, gầy như xác ve nên không thể nằm chiếu được. Tôi quyết tâm nhịn 60 ngày song nhìn cảnh vợ sụt sùi, con khóc, cả nhà căng thẳng, âu lo, tôi không đành lòng nên nhịn đến ngày thứ 40, tôi ăn trở lại. Trong suốt 4 năm liền, tôi ăn triệt để theo công thức số 7 (chỉ ăn gạo lứt, muối vừng). Nhờ đó, tôi hoàn toàn khỏe mạnh, 4 căn bệnh mãn tính đã đeo đuổi tôi suốt 20 năm: táo bón, viêm loét dạ dày (đã một lần chảy máu), thấp khớp và trĩ cũng khỏi hoàn toàn.
Năm 1994, ông Tuấn đã hai lần tìm đến phương pháp nhịn ăn để cứu giúp vợ con và cả hai lần, ông đều thành công. Vợ ông bị u xơ vú phải, nhịn ăn một đợt 21 ngày liền, khối u biết mất. Con trai ông, cháu Nguyễn Minh Tú, sinh năm 1975, đang là sinh viên năm thứ 2 trường Đại học kiến trúc Hà Nội thì bị bệnh tâm thần phân liệt. Ngày 1/6/1994, gia đình đưa cháu vào điều trị tại Khoa A6, Bệnh viện quân y 103. Tại đây, tất cả những loại thuốc quan trọng nhất để chữa bệnh cho cháu thì khi sử dụng, đều gặp khó khăn. Loại thì kháng thuốc (phải sử dụng liều lượng rất cao, gấp 5 lần so với những bệnh nhân khác). Loại thì phản ứng thuốc (nổi mẩn dị ứng). Có nhiều lúc bệnh bùng phát nặng hơn ở nhà, bệnh viện phải trói chặt chân tay cháu trên giường. Bệnh viện muốn chữa bằng thủ thuật truyền điện vào não nhưng ông Tuấn không đồng ý. Ngày 15/8/1994, ông Tuấn xin cho con trai ra viện. Ông đã thực hiện cho cháu nhịn ăn 45 ngày liền. Kết quả, con trai ông đã khỏi hoàn toàn mà chưa cần phải dùng đến phương pháp ăn uống dưỡng sinh. Đây cũng là ca đầu tiên ở Việt Nam khỏi bệnh tâm thần phân liệt bằng phương pháp nhịn ăn.
Từ bấy đến nay, trong suốt 30 năm qua, ông Tuấn đã âm thầm tuyên truyền, hướng dẫn chữa bệnh miễn phí (qua thư từ, điện thoại hay theo dõi trực tiếp) cho hơn 2000 bệnh nhân ung thư ở trong và ngoài nước như Lào, Cam-pu-chia, Đức, Nga, Anh, Mỹ… Thời gian nhịn ăn ít nhất là 7 ngày, trung bình là 21, 30, 45, 50 ngày và cao nhất là nhịn ăn 58 ngày. Có những bệnh nhân chỉ sau một đợt nhịn ăn đã lành bệnh nhưng cũng có nhiều trường hợp phải trải qua nhiều đợt. Ông Tuấn nhận thấy phương pháp nhịn ăn và ăn uống theo thực dưỡng Oshwa là hai phương pháp chữa bệnh có kết quả đối với mọi loại bệnh. “Cho đến nay, loài người chưa tìm được một phương pháp ăn uống dưỡng sinh và chữa bệnh nào hữu hiệu hơn hai phương pháp này. Dù khỏe mạnh hay bệnh tật, các bạn hãy đến với phương pháp này sớm chừng nào tốt chừng ấy. Đừng sống bừa bãi, đừng để khi thân thể đã tiều tụy, sức khỏe tàn tạ sau khi dùng biết bao nhiêu loại thuốc men, chịu bao nhiêu cuộc mổ xẻ, trong tình trạng tuyệt vọng, sắp chết mới cầu cứu đến phương pháp này thì đã muộn”.
Hoàng Anh Sướng