Báo cáo tham luận Đại Lễ Phật Đản LHQ năm 2008 (UN VESAK 2008)
(Nguyễn Huỳnh Thuật)
Thế kỷ 21 này chúng ta đang chứng kiến tình trạng khủng hoảng môi trường và nhiều hậu quả của hiện tượng biến đổi khí hậu hay trái đất nóng dần trên bình diện cục bộ địa phương và toàn cầu. Sóng thần, bão, lũ lụt, triều cường, bệnh dịch, động đất,… triền miên kèm theo vấn đề ô nhiễm đất, nước, không khí đạt mức kỉ lục hơn bao giờ hết. Tất cả các hiện tượng này có liên quan chặt chẽ với biến đổi khí hậu và hệ lụy của những hành vi thiếu tỉnh thức, thiếu hiểu thương của chúng ta. Đây là những mối hiểm họa đang đe dọa sự sinh tồn của loài người chúng ta và không một ai, không một cá nhân nào ngoại lệ hay tránh thoát.
Sự sống của chúng ta, con cháu chúng ta và tương lai của ta đang bị đe dọa hơn bao giờ hết. Xét kỹ lại và cũng đúng như nhà khoa học đã cảnh báo những việc làm mà chúng ta đã gây tạo trong quá khứ, sự thờ ơ không quan tâm đến môi trường đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng mà hiện tại chúng ta đang phải đương đầu và gánh chịu. Trong đó công nghệ sản xuất thịt và công nghệ xe hơi cùng với việc ăn mặn – ăn thịt rừng, tiêu thụ sản phẩm từ rừng, phá rừng cho các dự án công trình xây dựng – khai khoáng, tiêu thụ thiếu ý thức (tiêu thụ không chánh niệm) là những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu và đang đe dọa cho sự sống anh bình, cho sự tồn vong hay thịnh vượng của tất cả chúng ta.
Hiện nay có nhiều tổ chức phi chính phủ, nhiều tổ chức dân sự được thành lập bởi các nhà tiên phong có lòng nhiệt thành xuất phát từ sự quan tâm đến loài người và tình yêu thiên nhiên tha thiết. Họ là những anh hùng trong thời đại mới, họ là những anh hùng cách mạng trước cuộc chiến khốc liệt để bảo vệ môi trường, gìn giữ màu xanh tự nhiên còn sót lại, gìn giữ những di sản quý giá ngàn đời còn sót lại. Họ đứng lên dũng mãnh, họ vượt qua mọi rào cản, ngăn chia, thành kiến và tri giác sai lầm, bằng cấp, ngã mạn, họ vượt lên khỏi những khuôn tắc hạn chế sự tự do ý chí tuyệt đối, vượt qua ranh giới ngăn chia của quốc gia lãnh thổ, vượt qua định kiến của tôn giáo, sắc tộc, ý thức hệ và chế độ chính trị để cùng nhau kết nối và lan tỏa hiểu thương để bảo vệ môi trường. Với họ đó là lẽ sống, là đường đi, là nguồn hạnh phúc lớn lao vô tận đồng hành cùng những rủi ro, nguy hiểm đang rập rình phía trước.
Họ rất hiểu, chấp nhận và lựa chọn hạnh phúc đó, lựa chọn con đường chông gai nhiều thác ghềnh đó và điều này rất ít ai làm được. Họ đã làm nhiều việc để góp phần chuyển hóa tâm thức cộng đồng, phát triển xã hội ngày một tốt hơn và môi trường xanh, di sản được gìn giữ cho muôn đời mai sau. Xét về góc độ đa dạng sinh học thì họ được xem như những loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, nếu chúng ta không có sự tỉnh thức cộng đồng và sự hợp tác của tập thể cùng nhau bảo vệ họ thì chắc rằng họ sẽ bị tuyệt chủng, những gen di truyền quý hiếm ấy sẽ mất đi vĩnh viễn và chúng ta rất khó tạo ra sự thay đổi lớn như ta hằng mong muốn.
Mỗi người là một sự nghiệp lớn nhưng sự nghiệp lớn ấy có vĩ đại đến đâu và vĩ đại đến mức nào là tùy thuộc vào sự kết nối của những con người dũng cảm – anh hùng đạt được đức vô úy ấy cùng với sự hỗ trợ, sát cánh của cộng đồng, của những nguồn năng lượng đồng cảm, những nguồn năng lượng hiểu thương bảo vệ môi trường.
Kho tàng tuệ giác trong đạo Phật rất phong phú và sâu sắc có thể làm nền tảng và soi sáng cho các giải pháp chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi sinh và phát triển bền vững. Trong truyền thống đạo Phật với tuệ giác vô ngã và tương tức thì tất cả chúng ta hiện hữu trên thế giới này như là một đại gia đình, tất cả chúng ta là anh em đang sống trong một mái nhà xanh chung và được thương yêu nuôi dưỡng bởi “Mẹ” thiên nhiên vĩ đại. Chúng ta phải đối xử với thiên nhiên như cách chúng ta tự đối xử với mình. Cách sống khôn ngoan và tạo phước lớn nhất là chúng ta không được làm hại thiên nhiên mà chỉ thuận thiên tức là tuân theo đạo lớn, đạo trời.
Đầu tư, tạo phước, chăm lo và bảo vệ cho các thế hệ con cháu mình là đầu tư, bảo vệ cho mình – vì mình, vì chúng là sự tiếp nối của chính ta. Do vậy chúng ta phải biết tôn trọng và thương yêu lẫn nhau, chia sẻ và cảm thông cho nhau về hạnh phúc hay khổ đau, chỉ dùng lời ái ngữ mà không chỉ trích bất cứ ai, vượt qua mọi thành trì ngăn chia, vượt qua mọi rào cản để kết nối và cùng nhau nắm tay để bảo vệ những cảnh quan thiên nhiên và văn hóa, bảo vệ các di sản – di tích, bảo vệ môi trường chung, ngôi nhà xanh chung.
Đất Mẹ là một cơ thể sống động huyền bí và tri thức hữu hạn của ta không thể nào hiểu hết. Ta không hiểu hết ta, ta có bệnh gì phải nhờ bác sĩ này khám và bác sĩ khác kiểm tra lại kết quả chẩn đoán, vậy thì làm sao có cái gọi là ta đã hiểu thiên nhiên, ta gán cho thiên nhiên, cho rừng giá thành bằng tiền theo cảm tính của ta hay của một nhóm nào đó. Tri thức khoa học của chúng ta chỉ mỗi ngày một biết hơn chứ mãi không bao giờ là biết đủ về thiên nhiên, về rừng và về vũ trụ này. Mỗi ngày một mới, mỗi đợt nghiên cứu của các chuyên gia hàng đầu thế giới nhất là ở các vùng rừng nhiệt đới thì mỗi lần phát hiện ra nhiều loài mới cho khoa học mà chưa được định danh, chưa được nghiên cứu bao giờ.
Hạnh phúc là hạnh phúc chung và khổ đau là khổ đau chung. Những năng lượng bất an hay khổ đau xảy ra bất kỳ ở một nơi nào thì cũng sẽ bị ảnh hưởng đến toàn hành tinh thế giới, và hạnh phúc cũng vậy. Ngày nay khoa khọc lượng tử cũng đã tìm ra và chứng minh được điều này. Nói năng lượng dạng sóng cũng không đúng mà dạng hạt cũng không đúng, nói cái trứng có trước con vịt có sau cũng không đúng mà nói ngược lại cũng không đúng. Hiểu như thế thì chúng ta có ý thức và trách nhiệm chung trên mọi phương diện của đời sống hiện tại, hiểu như thế trái tim của chúng ta sẽ rộng mở và không còn phân biệt tôn giáo, quốc gia, chủng tộc,… để đến với nhau trong tình huynh đệ trong tinh thần từ-bi-hỷ-xả và chia sẻ tình bằng hữu chân thành – kiên trì một cách đẹp đẽ, sống chết có nhau. Sống có ý nghĩa như thế thì có chết đi bất cứ lúc nào cũng có ý nghĩa và lòng đầy bình an, còn lại số đông nhiều người gọi là sống nhưng thật sự họ đang ngủ, họ đang nằm mơ và chờ cơn ác mộng đến.
Vì ngày mai, vì tương lai, chúng ta hãy gieo hạt từ bi và ươm mầm tươi xanh ngay từ bây giờ và gìn giữ, bảo vệ những mảng xanh, những gì tốt đẹp và lành mạnh còn lại như bảo vệ ngôi nhà, bà mẹ thân yêu nhất của mình.
Lá thư Thầy Nhất Hạnh viết gửi cho các đệ tử ngày 12 tháng 10 năm 2007 như là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta. Mọi sự vật và hiện tượng luôn chuyển biến không ngừng, có sinh thì có diệt. Nền văn minh hiện tại của chúng ta cũng thế. Trong lịch sử của Trái Đất, nhiều nền văn minh đã từng bị tiêu diệt. Nền văn minh hiện tại của chúng ta nếu có bị tiêu diệt thì đó cũng là theo quy luật tự nhiên. Nếu loài người cứ tiếp tục sống như cách sống hiện nay và với lòng tham vô đáy như hiện nay thì sự tiêu diệt của nền văn minh này không còn xa nữa. Ta phải chấp nhận sự thật ấy, như là chấp nhận cái chết của chính chúng ta. Chấp nhận được rồi ta sẽ không còn bị đối kháng, phẫn nộ, phủ nhận và tuyệt vọng nữa. Ta sẽ có bình an. Có bình an rồi ta mới biết cách sống như thế nào để cho trái đất có một tương lai, ta mới tới được với nhau trong tình anh em (tứ hải giai huynh đệ) và sử dụng được kỹ thuật khoa học hiện đại mà ta đang có để cứu được hành tinh xanh, mái nhà xanh yêu dấu. Còn nếu không thì ta sẽ bị tâm bệnh mà chết trước khi nền văn minh chấm dứt.
Gia tài trong trong Đạo Phật như đã nêu trên là giá trị đạo đức có tính cách toàn cầu. Các giá trị làm nền tảng này nên dùng làm nguyên tắc sống chung hòa bình, thương yêu và cùng có trách nhiệm trong tình anh em gia đình thì trào lưu toàn cầu hóa và các hệ luỵ sẽ không còn là một đe dọa nữa, và ta sẽ có khả năng bảo vệ được những gì đẹp đẽ nhất và quý báu nhất của các nền văn hóa địa phương, đặc biệt là nhằm góp phần vào các giải pháp làm đảo ngược quá trình trái đất nóng dần lên một cách tốt nhất. Người Phật tử chúng ta cần đến với nhau và đóng góp thật nhiều trong việc giáo dục, nâng cao ý thức về các giá trị đạo đức trên bằng mọi phương tiện trong mọi không gian và thời gian. Người phật tử thọ trì tốt năm giới, đặc biệt là giới thứ nhất (Tôn trọng Sự sống và Bảo vệ Môi trường – Respect of Life and Protect Environment) và giới thứ năm (tiêu thụ chánh niệm – mindful consumption) góp phần đáng kể trong nỗ lực chung ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mỗi người trong chúng ta, hãy hứa trước khi rời xa cõi đời, gắng sức đắp xây lại cho đất trời. Hãy vượt qua thành trì ngăn chia của quốc gia, tôn giáo, sắc tộc,… với trái tim không biên giới và tâm nguyện của Bồ tát xuất gia hay tại gia xin hãy yêu nhau và nắm tay nhau, kết nối những trái tim đồng cảm và yêu thương để cho mái nhà xanh này trở thành mái ấm gia đình trong tình anh em và hạnh phúc. Hãy đến với nhau tay trong tay với nếp sống tri túc và thiểu dục, hiểu và thương cho mùa xuân mới sang, cho tương lai còn có thể có mặt cho con cháu chúng ta.
Hãy Cùng nhau hành động để Cứu lấy “Mẹ Đất” của chúng ta kẻo quá muộn! Hãy cứu lấy “Mẹ Cát Tiên”, Cứu lấy Rừng Cát Tiên cho hôm nay, cho ngày mai và cho mãi mãi.
Cũng đăng tại trang Tin nhanh về môi trường Việt Nam (Thành viên Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam – VACNE): http://www.tinmoitruong.vn/cau-noi/bao-ve-moi-truong–giai-phap-cua-phat-giao_73_17073_1.html
và tại trang HỘI BẢO VỆ THIÊN NHIÊN VÀ MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM (VACNE)
http://vacne.org.vn/default.aspx?newsid=9706
Tham khảo phần tóm tắt tiếng Anh tại: http://blag.biz/buddhist-environment-related-values
Link bài viết gốc: https://savingcattiennationalpark.blogspot.com/2012/09/un-vesak-2008-bao-ve-moi-truong-giai.html?m=1&fbclid=IwAR1614wDjzXtyTyuT1C6maeu5crMMtqzwkhAAIBLiRX05FkE0jyGAg6seYg