SKĐS – Tám tháng trước cô gái tên Ng. đã nhịn khô thanh lọc 10 ngày. Đợt này lại trải nghiệm một đợt dài và cách thức khắc nghiệt hơn, 7 ngày không ăn, không uống, không tắm, không đánh răng, rửa mặt, cách ly với nước. Cô gọi đó là “Trải nghiệm nhịn khô – Hành trình Dấn thân, trả giá để chiến thắng chính mình”
Hành trình nhịn khô của một cô gái
Cô gái trẻ trung tên Ng. đã ghi lại nhật ký hành trình nhịn khô và chia sẻ công khai trên internet, nội dung như sau:
Ngày nhịn khô thứ 1
Cơ thể có phần đuối, hiện tượng bốc hoả trong thân xuất hiện, cơ thể tăng nhiệt, giống như bị cảm sốt, thải độc rất mạnh đây. Mặt mày sây sẩm, choáng nhẹ, nhất là biểu hiện ở bàng quang, tiểu buốt, tiểu rắt, xót. Đúng là cực hình, liên tục phải đi tiểu dù lượng nước tiểu chỉ són ra một chút, nước tiểu đặc, vàng và khai, chua, tiểu rất buốt. Buổi tối, cả đêm vẫn nhức nhối khó chịu ở bàng quang.
Cả ngày hôm nay chỉ nằm thư giãn là chính, lúc bị nhức nhối nặng quá phải dậy ngồi kiết già nói chuyện vỗ về cơ thể xoa dịu khổ thọ, nhận lỗi với cơ thể, cám ơn và biết ơn cơ thể ngồi như vậy dễ chịu hơn một chút. May Ng. có cách tác ý nhiếp tâm vào hơi thở “an tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra” nên thân an ổn lại rồi ngủ được vài tiếng, còn lại là đêm trắng. Được cái đầu tỉnh táo nhẹ nhàng không có căng thẳng. Dưới bàng quang vẫn đau tức, buốt và đi tiểu rắt liên tục, miệng không khô, hơi đắng, bụng không đói.
Cân nặng hôm nay còn 40kg.
Sang ngày thứ 2
Cơ thể có hiện tượng mệt mỏi hơn, vùng quanh thắt lưng chỗ thận đau nhức lắm, nằm cũng đau, ngồi cũng đau, cúi xuống không được, rất đau, toàn thân ẻo lả rã rời, các cơ cũng đau, đi lại cực kỳ khó, đi lại phải khòm khòm như bà cụ bị khòm lưng, không đứng thẳng lên được. Ng. tác ý “thẳng cái lưng lên cho tao, bước bước nào ra bước đó đi, không được khòm, đau có một chút mà đã khòm như bà già rồi.”
Các biểu hiện dưới bàng quang vẫn nhức nhối như cũ, chưa thuyên giảm xíu nào. Ôi sao mà khó chịu quá, tâm luôn dao động muốn kết thúc trải nghiệm này. Chỉ cần uống nước vô là mọi cảm thọ sẽ bớt, miệng sẽ bớt hôi tanh, đắng ngắt, lúc nào trong miệng cũng sền sệt quánh trắng như mủ. Cố gắng gượng vỗ về tự nhủ nên chiến thắng được cái tâm dao động bàn lùi kia. Cả ngày không thấy cơn đói nhưng ngày đêm này hầu như Ng. không có ngủ tí nào, may răng hết nhức, lợi đã xẹp mủ không còn bị sưng.
Ngày thứ 3
Hôm nay thân thể có lúc ngấy sốt, bốc hoả, có lúc ớn lạnh vài thời điểm, miệng đắng ngắt, mùi hôi miệng kinh khiếp, lưỡi rêu phủ trắng, nước bọt dẻo quánh, nhưng không bị khô cổ, may mắn cái đầu nhẹ nhàng và bụng không có đói. Cả ngày đêm hôm nay vẫn không ngủ tí tẹo nào cả. Vẫn tiểu rắt, tiểu buốt, chóng mặt. Lúc nằm, ngồi mà đứng dậy là bị choáng, phải đứng yên một phút mới trở lại bình thường, cái lưng có phần bớt đau rồi.
Sang ngày 4
Buổi sáng Ng. thấy cái lưng đã được bác sĩ bên trong giải phẫu được 80% rồi ấy, ngồi xuống đứng lên dễ dàng, không còn phải chống nạnh nữa. Tuyệt! Đã gần hết hiện tượng đau nhức khó chịu vùng lưng, thiên hạ có vẻ thái bình rồi đây, cái đầu nhẹ nhõm lắm, phần dưới cái bàng quang ngày thứ 4 nhịn ăn vẫn vậy, buốt, nhức, đêm phải đi tiểu rắt 8 lần, vẫn buốt, xót. Ngày đêm nay không ngủ tí nào, ít hiện tượng tăng nhiệt hơn mấy ngày trước.
Cân nặng hôm nay còn 39kg.
Ngày nhịn khô thứ 5
Cảm thấy cái lưng đã ổn lại, vẫn đêm trắng nên tờ mờ sáng Ng. đạp xe đi dạo 1,5 tiếng, đạp chầm chậm cho khí huyết lưu thông, trở về thấy nhẹ hơn. Còn nấu được nước mắm chay và nấu nước tẩy rửa đa năng nữa. Tệ nhất buổi sáng ngày nhịn khô thứ 5 Ng. không làm chủ được tiểu tiện, nước tiểu cứ són ra tự nhiên, buốt và xót. Ng. tính đến phương án đóng bỉm cơ.
Đến 1 giờ chiều nằm thư giãn nghỉ ngơi, Ng. quan sát thấy không còn bị buốt, bị đau ở bàng quang nữa, hiện tượng đái rắt cũng biến mất! Kỳ diệu! Vậy là bác sĩ bên trong đã phẫu thuật xong. Lúc này chỉ còn trạng thái thân tâm thanh thản an ổn. Đêm nay ngủ được vài tiếng rồi tỉnh dậy, đi thẳng từ vườn ra bếp nhóm lửa cô đặc nồi bồ hòn và chanh thành cao giặt tẩy đa năng, còn nấu được bữa sáng cho mấy nhỏ. Bụng không thấy đói, miệng vẫn đắng như mọi ngày. Đêm ngày 5 có ngủ được chút ít.
Tính thử trải nghiệm đợt khủng hoảng thứ 2 xem nó ra sao nên Ng. nhịn tiếp.
Sang ngày thứ 6
Thấy thân tâm thanh thản an ổn, không có biến động gì lạ trên thân, tâm. Sáng thấy khoẻ nhẹ nên vẫn ra vườn làm cỏ vườn và đi dạo loanh quanh, đêm ngủ ít không bị mệt.
Bước sang ngày nhịn khô thứ 7
Buổi sáng vẫn trạng thái thân rất an ổn, tâm thanh thản. Khoảng 10 giờ bắt đầu cơ thể tăng nhiệt, nhịp tim hồi hộp. Ng. nằm đặt tay lên tim thấy tim đập 2 nhịp thì ngưng 2 nhịp. Nghĩ chắc là bắt đầu cơn khủng hoảng thứ 2 trong quá trình nhịn ăn dài ngày đây nên Ng. vẫn bình tĩnh nằm thư giãn và hít thở sâu. Thôi dừng, chiều quyết định ăn ra…
Không rõ tới hôm nay, Ng. đã khỏe khoắn trở lại chưa, bởi vì theo như hình ảnh cá nhân mà Ng. tự đăng tải thì trông cô gầy ốm lắm (PV).
Đọc vân mắt tìm điểm suy yếu trong cơ thể và nhịn ăn khô để chữa u cục…
Trên mạng xã hội gần đây có nhiều người, nhiều nhóm có chủ đề về cách ăn kiêng như Làng ăn thô; Ăn thô – chữa lành tự nhiên; Làng Ăn sống – Ăn thô… thu hút nhiều thành viên quan tâm và chia sẻ kinh nghiệm. Nhưng có lẽ khái niệm nhịn khô vẫn còn lạ lẫm với đa số những người đang duy trì một chế độ ăn thông thường.
Tài khoản cá nhân của một người giới thiệu là chuyên gia đọc vân mắt, tư vấn thải độc, phục hồi sức khỏe có 10 nghìn người theo dõi. Người này thường tư vấn về chụp và đọc vân mắt để hiểu rõ những điểm tắc nghẽn, suy yếu trong cơ thể gây nên những biểu hiện sức khoẻ bất ổn…
Bản thân người này cũng đã duy trì một chế độ ăn đặc biệt “Fasting”, trong đó có những đợt nhịn ăn khô kéo dài từ 10 đến 12 ngày. Tuy nhiên, người này khuyên mọi người nếu áp dụng nhịn khô (dry fast) không quá 2 ngày trong một đợt hoàn toàn không ăn bất cứ gì (kể cả chất lỏng hoặc chất rắn), thậm chí không tiếp xúc với nước để tăng hiệu quả trong việc kích thích thận hoạt động và lọc chất thải bạch huyết hiệu quả hơn.
Một người khác chia sẻ với cộng đồng là trong quá trình nhịn khô mặc dù môi, miệng hơi khô nhưng không hề khát nước mà cảm thấy cơ thể rất sảng khoái và nhịn khô giúp họ cực kỳ sáng tạo.
Một tài khoản có tên B.T.H chia sẻ, có bạn trẻ trong cổ mọc 2 cục to như quả táo nuốt không được nên gây đau và bác sĩ khuyên mổ, nhưng bạn đó chọn nghe theo cách tốt nhất là nhịn ăn khô 2-3 ngày, sang ngày 3 nếu thấy khô miệng nhăn da thì uống tí nước chanh mật ong hoặc nước lọc từng ngụm tí một thôi. Bạn ấy làm theo sau 3 ngày cục u biến mất, bạn khỏe lại bình thường!?
Tác dụng phụ và rủi ro của việc nhịn ăn khô
Nhịn ăn khô là phương pháp đòi hỏi phải từ bỏ cả thức ăn và chất lỏng và không cho phép bạn uống bất kỳ chất lỏng nào kể cả nước, trà hoặc súp trong một thời gian dài. Có 2 cách nhịn ăn khô, cách 1 là có thể gội đầu, tắm và rửa mặt, cách thứ 2 là không tiếp xúc với nước dưới bất kỳ hình thức nào – kiêng hoàn toàn. Ở trạng thái này, cơ thể bị thiếu thức ăn hoặc nước và nó bắt đầu sử dụng mọi thứ có sẵn để tạo ra năng lượng ở cấp độ tế bào. Kiểu nhịn ăn khắc nghiệt này sẽ khiến cơ thể gặp rắc rối.
Những thông tin từ bài báo khoa học đăng tải trên WebMD (trang web cung cấp thông tin y tế lớn), bài báo đã được sự kiểm duyệt xuất bản của Kathleen M. Zelman, cựu giám đốc dinh dưỡng của WebMD cho biết, giống như nhịn ăn gián đoạn, tác dụng phụ của nhịn ăn khô có thể bao gồm:
- Đói
- Mệt mỏi
- Nhức đầu
- Buồn nôn
- Không ngủ
Ngoài ra, vì nhịn ăn khô có thể gây mất nước nên dễ gặp phải tình trạng:
- Khát nước
- Chóng mặt hoặc lâng lâng
- Khô miệng, môi và mắt
- Nước tiểu sẫm màu, có mùi rất khó chịu
- Số lần đi tiểu ít hơn và số lượng ít
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, với nhu cầu chuyển hóa cơ bản (không phải lao động nặng nhọc), nữ cần 1.200 kcl/ngày và nam cần khoảng 1.400 – 1.500 kcl mới đủ năng lượng cho cơ thể, còn người lao động nặng hơn cần trên 2.000 kcl/ngày.
Nguy cơ lớn nhất của việc nhịn ăn khô là mất nước và các biến chứng do mất nước có thể bao gồm:
Co giật: Khi rối loạn điện giải trong cơ thể, natri và kali bị mất cân bằng, cơ thể có thể gặp khó khăn khi gửi “tín hiệu điện” từ tế bào này sang tế bào khác. Điều này có thể dẫn đến co cơ không tự chủ và mất ý thức.
Phù não: Khi bạn nhận được chất lỏng trở lại sau khi bị mất nước, cơ thể của bạn đôi khi cố gắng kéo quá nhiều nước trở lại tế bào. Một số tế bào có thể phù lên và vỡ ra trong quá trình này. Nếu điều này xảy ra với các tế bào não sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.
Chấn thương do nhiệt: Nếu bạn lau khô nhanh trong khi tập thể dục gắng sức hoặc khi bạn rất nóng, bạn có thể bị chấn thương do nhiệt. Tình trạng này có thể gây chuột rút, kiệt sức vì nóng hoặc say nắng, thậm chí đột quỵ.
Suy thận: Nếu thận không còn khả năng loại bỏ chất lỏng dư thừa và chất thải ra khỏi cơ thể, nó có thể dẫn đến suy thận, có thể đe dọa đến tính mạng.
Sốc giảm thể tích máu: Tình trạng đe dọa tính mạng này được gọi là sốc giảm thể tích xảy ra khi lượng máu thấp trong cơ thể gây ra tụt huyết áp và giảm lượng oxy trong cơ thể.
Hôn mê và tử vong: Nếu không được điều trị nhanh chóng, tình trạng mất nước nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng.
Cân nhắc khi lựa chọn chế độ ăn kiêng để bảo đảm sức khỏe
Ngày càng có nhiều phương pháp ăn kiêng, trong số đó có những phương pháp có mục đích thuần túy là giảm cân nhưng cũng có nhiều chế độ ăn hạn chế với mong muốn cắt giảm trọng lượng, giảm mỡ trong cơ thể, thanh lọc, thải độc cơ thể, giảm viêm chữa lành…
Những người ủng hộ phương pháp nhịn ăn khô cho rằng nó làm chậm quá trình lão hóa. Các nghiên cứu trên động vật đã cho thấy nhiều kết quả khác nhau về tác động của việc nhịn ăn đối với quá trình lão hóa. Các nghiên cứu trên người chủ yếu là ngắn hạn và không cung cấp đủ bằng chứng cho thấy nó an toàn và hiệu quả lâu dài.
Thực tế, chưa có nghiên cứu đủ lớn và uy tín chứng minh hiệu quả của những phương pháp ăn uống kiêng khem ngặt nghèo. Các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyên duy trì một chế độ ăn lành mạnh, khoa học, đủ chất dinh dưỡng song song với rèn luyện, vận động cơ thể để tăng cường sức khỏe.
Có thể thấy, nhiều người trưởng thành ngày càng có xu hướng lựa chọn cho mình cách ăn uống lành mạnh song bên cạnh đó có không ít người ăn uống khá cực đoan. Lựa chọn ăn uống như thế nào khi còn nhỏ phần lớn phụ thuộc nhiều vào cha mẹ, người nuôi dưỡng nhưng khi đã lớn, suy nghĩ độc lập và tự chủ thì chọn chế độ dinh dưỡng nào hoàn toàn là quyền cá nhân. Tuy nhiên, hãy thực sự cân nhắc và tốt nhất là thăm khám sức khỏe, lắng nghe ý kiến tư vấn của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng nếu bạn muốn duy trì chế độ ăn lành mạnh tốt nhất, bảo đảm sức khỏe và ngừa bệnh tật.
Hãy thận trọng khi quyết định lựa chọn một chế độ ăn kiêng gián đoạn như nhịn ăn khô. Có thể thấy trong tháng Ramadan, là một trong những thời điểm thiêng liêng nhất đối với người Hồi giáo, thời gian này họ tuân thủ nghiêm ngặt việc nhịn ăn hàng ngày từ bình minh cho đến khi mặt trời lặn. Tuy nhiên, họ chỉ không được phép ăn, thậm chí không uống nước vào ban ngày nhưng họ sẽ dùng hai bữa chính trong ngày gồm Suhoor (bữa ăn được phục vụ trước bình minh) và Iftar (bữa ăn được phục vụ vào lúc hoàng hôn).
Nguồn: Báo Sức khỏe và đời sống online